HÔN NHÂN


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NAM VÀ NỮ

"Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ và cả hai thành một xương một thịt" (x. St 1,27;2,24). Những chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy công trình tạo dựng của Thiên Chúa thật tốt đẹp. Tự thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo nên sự khác biệt giữa người Nam và người Nữ, nhưng chính sự khác biệt đó lại là chất xúc tác để người Nam và người Nữ bổ trợ cho nhau, giúp nhau thăng tiến tình yêu và có đời sống hôn nhân hòa hợp, để cả hai trở thành một xương một thịt trong ân sủng Chúa ban.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để làm chủ vạn vật, và để được sống hạnh phúc trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, đặc biệt là hạnh phúc trong đời sống hôn nhân., nên hạnh phúc thật chỉ có được từ nơi Thiên Chúa, và bí quyết của hạnh phúc là khám phá và thực thi thánh ý Ngài. Chính trong lúc đi tìm sự hòa hợp giữa vợ chồng, người này phải khám phá tâm hồn người kia và gọt dũa góc cạnh tâm hồn mình, là ta đang thực tập điều đó ngay trong môi trường gia đình. Đây là một công việc trường kỳ, đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhiều gia đình không được hạnh phúc chỉ vì thiếu hiểu biết và lười biếng. Ngưòi ta lo học hỏi mọi điều trên thế gian này, nhưng lại không chịu hoc cách sống.
Khi nói đến khác biệt trong đời sống vợ chồng, chúng ta cần biết sự khác biệt tâm lý giữa người chồng và người vợ trong đời sống hôn nhân là sự khác biệt hữu ích, và làm nên vẻ đẹp trong đời sống gia đình chứ nó không phải là tác nhân khiến người ta trăn trở, khó chịu như mọi người thường nghĩ.
Nhìn vào vẻ đẹp của sự khác biệt đó, khi bước vào tâm điểm của đời sống tâm lý vợ chồng cũng cần biết lý do tại sao Thiên Chúa tạo nên sự khác biệt. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" và "Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (x. St 1,26-27). Đây là điểm căn bản để con người áp dụng vào đời sống hôn nhân, chứ không phải để chì chiết nhau, khó chịu với nhau về những khác biệt ngoài sự mong đợi của mình nơi người bạn đời.
 Thiên Chúa dựng nên người nam và nữ có nhiều diểm khác biệt về thể chất cũng như tinh thần, để mỗi người hoàn thành thiên chức, sứ mệnh riêng của mình. Đồng thời để bổ túc giúp đỡ nhau hoàn thành sứ mệnh chung trong đời sống gia đình.
Để giúp các bạn trẻ có một cái khung cho việc hiểu biết lẫn nhau, xin được giới thiệu những nét khác nhau căn bản giữa nam và nữ :
1. Về thể chất :
Nam có cơ bắp to, thích hợp cho lao động nặng, khi lao động cần tập trung sức mạnh, nhưng sau đó cần được nghỉ ngơi. Nữ có cơ bắp nhỏ hơn, thích hợp cho những công việc đòi hỏi bền dai, khi lao động thường ít tập trung sức mạnh, có thể làm liên tục hết việc này đến việc khác, có khả năng chịu đựng và tuổi thọ thường cao hơn.
          Người nam được dựng nên để bảo vệ và nuôi sống gia đình, đương đầu với những khó khăn thực tế. Ngược lại, cơ thể người nữ được dựng nên để hoàn thành chức năng làm mẹ, và đồng thời tạo sự hấp dẫn người nam, do đó uyển chuyển, mềm mại và duyên dáng hơn.
2. Về nhận thức :
            Trí óc người nam thiên về lý luận, phân tích.- Coi việc làm quan trọng hơn lời nói. Còn người nữ thì hướng về trực giác và thực tế.- Coi lời nói là quan trọng
3. Về tình yêu :
            Nam coi tình yêu là một trong những điều quan trọng bên cạnh những điều quan trọng khác. Khi yêu, nam thường chủ động, muốn chiếm đoạt và dễ bị kích động. Nữ coi tình yêu là tất cả. Khi yêu, họ sẵn sàng dâng hiến. Cảm xúc của nữ đến từ từ nhưng kéo dài.
4. Về tôn giáo và luân lý :
            Nam có lòng đạo đức kém sốt sắng, nhưng bền vững. Khó giữ đức tiết độ và khiết tịnh. Nữ thì nhiệt thành, thích hình thức, chi tiết. Nhưng dễ thay đổi và dễ bị lung lạc.
5. Về tâm lý  :
Về khác biệt tâm sinh lý, có thể nói đến sự phát triển não bộ con người. Thiên Chúa tạo dựng nên con người và sự khác biệt nằm ở chỗ toàn bộ con người được chi phối bởi khối óc. Thiên Chúa thiết kế khối óc con người thật lạ lùng, chia ra làm 2 bán cầu: bán cầu trái và bán cầu phải. Từ 80 đến 90% phụ nữ là người được não cầu trái điều khiển, ngược lại 80 đến 90% đàn ông do não cầu phải chi phối.
Mỗi một bán cầu có một đặc trưng và có một nhiệm vụ rất đặc biệt. Não cầu trái đặc trưng cho khả năng ngôn ngữ, khả năng lý luận, khả năng tinh vi và tế nhị. Vì thế phụ nữ thường là những người nhớ dai, rất tinh tế, có cảm tính rất thực tế trong cuộc sống và nói hay, đồng thời cũng hay nói. Ngược lại, do sự chi phối của não cầu phải, người đàn ông ít nói, hay làm, hay suy tư, suy luận, có chiều sâu và rộng trong tầm nhìn. Tượng trưng cho người Nam là khối óc và người Nữ là con tim, đôi khi con đường đi từ óc đến tim tuy ngắn nhưng rất xa, đi mãi không tới đích.
Để nối kết giữa hai vùng não bộ, Thiên Chúa bắc một nhịp cầu làm cho 2 bán cầu giao thoa nhau, nhưng sự giao thoa này ở người phụ nữ mạnh hơn và có khả năng đạt tới 30% lượng thông tin trao đổi. Bởi đó, người phụ nữ có khả năng làm 2 việc một lúc do khả năng thông tin nhanh nhạy giữa hai bán cầu trái và phải, còn đàn ông thì không, chỉ làm được một việc trong một thời điểm.
           Tâm sinh lý mỗi người được hình thành tùy theo môi trường xã hội nơi người đó sinh ra và lớn lên. Các nhà tâm lý học đã khám phá và thu gọn những khác biệt về tâm lý giữa nam và nữ trong 5 định luật :
    Luật ưu tiên :
         Người ta kể rằng : Chú bé nọ được một vị ẩn tu đưa      lên núi từ nhỏ, ngày ngày tu học và cầu nguyện, xa cách cuộc sống trần gian. Cho đến một ngày kia, chú đã trở thành một thanh niên. Vị ẩn tu đưa chú xuống núi để trắc nghiệm. Cảnh sống của người trần tục có bao nhiêu điều khiến chú ngạc nhiên. Chú hỏi, thầy trả lời suốt dọc đường đi. Đến khi trên đường về, bất chợt gặp một đám các cô thiéu nữ xinh đẹp và duyên dáng, chú hỏi :
       - Thưa thầy, đó là cái gì vậy ?
Vị ẩn tu ngước nhìn mấy cái nón các cô đội và đáp :
      - Ồ, đó chỉ là mấy cái nón thôi con ạ !
Về đến trên núi, chàng tu sĩ trẻ bỗng ngẩn ngơ. Thầy hỏi tại sao, chàng thật lòng trả lời :
      - Thưa thầy con nhớ mấy cái nón quá. Con thích mấy cái nón đó lắm !
  *Nhận định : trên đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng cũng thật thâm thúy, đủ nói lên rằng sự hấp dẫn giữa nam và nữ là một cái gì tự nhiên, không cần ai dạy bảo. bởi vì nó là một định chế Thiên Chúa đã gắn với bản chất con người thông qua giới tính.
               Khi người đàn ông nghĩ về một người phụ nữ, thường hình dung tới thân hình, tới đường nét, sắc diện của thể xác. Vì thế trong tình yêu của người đàn ông, thể xác luôn chiếm ưu tiên. Thực tế cho thấy, khi người con trai đứng trước một thiếu nữ xinh đẹp đầy quyến rũ, sẽ thấy thể xác rung động trước rồi sau đó tình cảm trái tim mới hòa nhịp.
              Trong đời sống vợ chồng, người đàn ông dễ bị lôi cuốn bởi thể xác người phụ nữ, nên việc kết hợp thân xác thường chủ động và mau chóng.
              Đối với người phụ nữ thì khác, điều ưu tiên nơi họ không phải chỉ là thể xác nhưng là một trái tim, một tình cảm. Một trái tim muốn được hòa nhịp với trái tim khác và một tình cảm tha thiết muốn hiến trọn cho người mình yêu.
              Những dị biệt trên là định luật ưu tiên:
                      - Đối với người đàn ông: thể xác ưu tiên.
                      - Đối với người phụ nữ: trái tim ưu tiên.
* Trong đời sống thực tế:
           - Khi hiểu tình yêu của người phụ nữ thiên về tình cảm như vậy, người chồng phải biết quan tâm săn sóc vợ bằng những lới âu yếm, bằng cử chỉ thân mật, dịu dàng, tôn trọng. Đừng quá chú ý tới thể xác hoặc vội vàng mỗi khi gần gũi.
           - Người vợ biết tâm lý người đàn ông như vậy, nên thực tế một chút, đừng quá khắc khe, cũng đừng buồn khi thấy chồng quá chú ý tới thể xác của mình hoặc quá lý tưởng khi yêu đương.  
 Luật phân cách:
              Nàng đem hết khả năng làm một món ăn đặc biệt. Cơm dọn xong rồi nhưng chàng còn mải mê với cờ tướng. Đến khi chàng chiếu tướng được thì cơm canh đã nguội lạnh, còn nàng chỉ biết ôm con thinh lặng, thở dài:"anh ấy mê cờ tướng hơn mình!"
              Cũng có khi cả mấy ngày liền chàng câm như hến, bỗng dưng có người bạn đến nói chuyện đạo lý hoặc nói chuyện thời sự, chiến tranh và hòa bình, chàng nói thao thao bất tuyệt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều rồi từ chiều đến tối. Nàng tự nhủ:" Phải chăng mình không còn hấp dẫn, nên anh ấy chỉ mải mê những chuyện không đâu?"
*Nhận định:
           Trái tim của người phụ nữ có thể nói là một toàn thể dành hết cho người mình yêu, không có phân cách. Mối tình dành cho anh chiếm hết trai tim chị và tình yêu chi phối mọi hoạt động của cuộc đời chị. Hai mối tình không thể chung sống hòa bình: đó là đặc điểm trái tim phụ nữ.
           Trái tim người đàn ông thì khác: rắc rối, nhiều chuyện mà các chuyên gia thường nói trái tim của các ông có tới bốn ngăn, và các ngăn ấy hoạt động độc lập với nhau, nên nhiều khi khiến người phụ nữ khó hiểu.
          - Ngăn thứ nhất: dành cho vợ, anh yêu chị và khi ở với chị thì không nghĩ tới gì khác.
          - Ngăn thứ hai: dành cho sự nghiệp, trong cuộc đời người đàn ông, sự nghiệp luôn chiếm địa vị quan trọng, vì thế đã có nhiều người vì sự nghiệp mà quên cả vợ con gia đình.
          - Ngăn thứ ba: dành cho sở thích, như hoạt động xã hội, giáo dục, chính trị hay vì lý tưởng ....
          - Ngăn thứ tư: dành cho giải trí, như thể thao, ca hát, tìm thú vui nơi chim, cây, cá kiểng... hoặc nghỉ ngơi.
*Trong đời sống thực tế:
            Chị hãy an tâm tin rằng anh chỉ yêu chị và yêu thương gia đình. Đừng thấy anh say mê những công việc khác mà vội nghĩ rằng anh thờ ơ với gia đình rồi nghi ngờ, khó chịu. Chị hãy tập cảm thông, chia sẻ với anh, và trong mọi lúc nên biết tươi cười hoặc lo âu với anh, an ủi, khuyến khích anh những khi cần. Đừng ngăn cấm hoặc cản trở công việc của anh.
            Anh không nên bắt chị phải theo những hoạt động anh thích. Phải chừng mực trong công việc. Biết dùng tình yêu để dung hòa những dị biệt. Nếu được nên để chị cùng tham gia công việc của mình. Biết đền bù cho vợ bằng những lời nói, thái độ, cử chỉ yêu thương, hoặc phụ giúp công việc của chị mỗi khi có dịp. 
    Luật chi tiết:
            Trong xóm ai cũng cho anh chồng là người đáng trách, không phải vì anh rượu chè, cờ bạc hoặc đam mê vợ bé. Nhưng anh ấy đáng trách ở chỗ cứ lông bông và để vợ đi làm nuôi cả gia đình. Thế nhưng người vợ lúc nào cũng bênh vực chồng: "Anh ấy thật tốt, lúc nào cũng vậy, luôn nghĩ đến vợ con". Quả thật chị đã không dối lòng, bởi một lý do thật đơn giản: không có díp nào trong cuộc đời chị, mà anh ấy không chứng tỏ tình yêu và sự săn sóc đối với chị bằng những món quà nhỏ.
*Nhận định:
              Người phụ nữ được phú bẩm có trực giác nhạy cảm về chi tiết để họ có khả năng chu toàn sứ mạng làm vợ, làm mẹ và săn sóc gia đình, nên chị thường hay chú ý đến chi tiết của sự việc. người phụ nữ cho rằng mọi chuyện đều quan trọng, nếu chuyện nhỏ không làm được thì chuyện to làm sao có khả năng hoàn thành. Đa số những bất đồng, vợ chồng xích mích, cãi cọ nhau cũng chỉ vì những chuyện nhỏ mọn.
Trong khi người đàn ông chỉ nhớ đến những nét đại cương. Chị chú ý quan sát và nhớ rất kỹ những chi tiết trong đời sống của anh, của gia đình. Trong khi anh ít để ý và hay quên.
*Trong đời sống thực tế:
              Sự sai biệt tâm lý này là nguyên nhân của nhiều vui buồn trong đời sống vợ chồng. Một việc nhỏ cũng làm chị bực mình đau khổ. Một quên sót của chồng đối với vợ có thể làm chị buồn tủi, nghi ngờ, giận hờn. Vì thế, người chồng hãy chịu khó để ý đến vợ, nhẫn nại nghe chị nói dù là những chuyện nhỏ nhặt. Hãy lợi dụng những cơ hội làm chị vui: quà tặng ngày sinh nhật, nhớ ngày bổn mạng, ngày cưới, những ngày vui buồn của chị... Một lời khen, một sự quan tâm hay giúp đỡ đúng lúc cóa khả năng làm chị sung sướng hạnh phúc.
Người chồng thường dễ bực bội khi vợ hay than phiền về những chuyện nhỏ nhặt hoặc khó chịu khi thấy vợ hay dò xét. Hiểu như vậy, chị hãy rộng lượng với chồng, thông cảm với những dự tính công việc, những sinh hoạt hoặc những giao tế của anh. Chị cũng nên bớt những chi tiết có thể làm bận tâm chồng một cách vô ích. 
Tình yêu chân thật không có giới hạn. Không bao giờ được coi là quá đủ. Yêu là nghĩ đến người yêu và không ngừng tìm hạnh phúc cho người mình yêu.
Luật bất đồng cảm:
       Trước khi về với chàng, nàng có quan hệ tình cảm khá sâu
sắc với một người. Nàng cũng đã cho chàng biết. Bất ngờ hôm
nay đi làm về sớm, chàng thấy nàng đang ngồi nói chuyện với
người ấy. Chàng không nói một tiếng, mà bỏ ra ngay và đóng
sập cửa lại. Mãi đến khuya chàng trở về trong hơi men nồng
nặc, rồi nằm ngủ tới sáng. Thế nhưng hôm sau vừa thức dậy,
chàng đã tìm gặp để nói ngay với nàng :"Em à, nghĩ lại hôm
qua anh làm như vậy là không đúng, anh xin lỗi !"
              Nhưng nếu trường hợp ngược lại, nàng đi chợ về sớm,
gặp chàng đang tiếp người bạn gái cũ thì sao ?
              Nàng hơi giật mình một chút, nhưng chấn tỉnh lại
ngay và vồn vã :
               - Chào chị, mới tới chơi, thật quí biết bao !
              Rồi quay sang chồng :
                - Anh tệ thật, sao không pha nước chị ấy uống !
              Nàng vội vã đi pha nước cho hai người rồi nói :
                - Chị ngồi nói chuyện với chồng em, em xin lỗi phải
lo công việc một chút !
              Chàng yên tâm ngồi nói chuyện mãi, đến lúc tiễn cô
bạn về xong, vẫn không thấy động tĩnh gì. Vào bếp thấy lạnh
ngắt. Vào phòng thấy nàng đang nằm khóc thút thít. Chàng
ngồi an ủi, phân trần một lúc nàng mới nguôi ngoai dậy lo cơm
nước.
              Rồi mọi chuyện tưởng chừng như không có gì xảy ra.
Cho đến một buổi sáng, hai tuần sau, chàng vừa thay bộ đồ
mới, còn đang mang giày, chải đầu thì nàng sừng sộ :
                - Diện đồ đẹp đi đâu đó, định đi với nó nữa hả ?
               Câu chuyện trên đây diễn tả được phần nào cách
cảm xúc của hai phía mà các chuyên gia tâm lý gọi đó là luật
bất đồng cảm : người đàn ông phản ứng nhanh nhưng mau dứt,
người phụ nữ phản ứng chậm nhưng kéo dài.
      *Nhận định:                 
        Trong phạm vi tình cảm, người đàn bà như một đầu
máy xe lửa : chuyển bánh chầm chậm, có đà đi rất nhanh,
nhưng dừng lại cũng chậm. Chị không phản ứng cùng lúc
nhưng sau anh. Tuy nhiên khi đã bắt nhịp thì xúc cảm ấy kéo
dài và sâu đậm hơn anh. Phụ nữ thì nhớ dai, nên xảy ra hiện tượng tâm lý "tha mà không quên". Người đàn ông thì ngược lại, tình cảm chóng bộc phát nhưng cũng chóng nguội tàn. Vì vậy mà "tiếng sét ái tình" thường xảy ra đối với phái nam.
*Trong đời sống thực tế
              Hiểu biết định luật tâm lý này để biết tha thứ, tránh
những xích mích, nghi kỵ lẫn nhau. Trong mọi việc anh hãy
kiên nhẫn chờ đợi. Trong quan hệ thân mật cũng vậy, tránh
những cử chỉ vội vàng hấp tấp, nên dịu dàng tế nhị.
Luật thính giác:       
              Một người khao khát nghe và một người lên tiếng yêu
thương, khen ngợi, còn gì tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Thế
nhưng trong cuộc sống bình thường, thì nột người muốn nghe
những lời dịu ngọt, nhưng một kẻ chẳng nói nửa lời hoặc chỉ
nói những lời cộc lốc. Đó là do định luật thính giác chi phối.
*Nhận định:    
              Trong đời sống gia đình, sự im lặng thường tạo nên
bầu khí nặng nề. Người chồng vì thế thích ra quan cà phê hay
đến một nơi khác vui vẻ hơn. Còn vợ sẽ thích la cà bên nhà
hàng xóm để chuyện trò... Do đó, muốn tránh bầu không khí
ấy, là nguyên nhân đưa tới xa cách, đôi bạn cần chú ý đến định
luật tâm lý này.
              Người phụ nữ có lỗ tai gắn liền với trái tim. Những gì
vào lỗ tai thì rơi thẳng vào tim, do đó chị có nhược điểm là
thích nghe và dễ tin những điều người ta nói hơn là việc người
ta làm. Chồng làm rất nhiều việc giúp chị mà không nói gì, chị
vẫn cho là anh không thương chị hoặc thương không hết lòng.
Bởi vì chị là người rất thích nghe.
               Người đàn ông ở trong gia đình nhiều khi lại là người
thiếu cái"lưỡi". Ở quán xá hoặc ở những nơi khác anh nói thao
thao bất tuyệt vế những chuyện chính trị, xã hội, nghề nghiệp
hay giải trí... Vì những chuyện đó có tính cách chung chung,
vô thưởng vô phạt. Ở nhà thì ngược lại, miệng anh câm như
hến, ít nói, trầm ngâm... vì anh không thích những chuyện vụn
vặt, chi tiết. Anh ngại tâm sự, bộc lộ có đụng chạm tới bản
thân mình. 
"Khắc khẩu" từ ngữ không có trong tự điển sống của vợ chồng: Không có chữ "khắc khẩu" trong đời sống hôn nhân. Hãy loại bỏ tư tưởng "khắc khẩu" ra khỏi tâm trí. Chỉ vì quan niệm "khắc khẩu" mà đã làm cho nhiều người xa nhau. Sở dĩ người ta đổ thừa cho khắc khẩu là vì vợ chồng không hiểu nhau, không thông cảm nhau và không tìm ra được điểm tốt của nhau, để sống hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Hãy chấp nhận rằng nơi người vợ, người chồng có những điểm dị biệt nhưng cần thiết, và tư tưởng khắc khẩu làm cho người ta không chấp nhận nhau.
 *Trong đời sống thực tế:
               Anh cần phải "tập nói", phải chủ động phá tan bầu
không khí nặng nề trong gia đình. Phải biết nói những lời yêu
thương, vỗ về, an ủi... Hay nhắc lại những kỷ niệm đẹp, êm
đềm ngày trước. Vì người đàn bà thích sống lại những quá khứ
đẹp như vậy. Khi nói phải với cung điệu nhẹ nhàng , ôn tồn.
Những gì anh với giọng dịu dàng, âu yếm, tôn trọng, chị sẽ cho
là đúng và sẽ chấp nhận. Nhưng nếu anh nói với giọng gắt
gỏng, khó chịu hoặc khinh khỉnh, chị sẽ cho là sai, khó chấp
nhận mặc dù đó là những điều đúng hoàn toàn. Khi phải xây
dựng khuyết điểm của chị, anh nên áp dụng như vậy và đùng
bao giờ chê hoặc chế giễu vợ trước mặt người khác.
             Giữa vợ chồng cần phải có thói quen đối thoại cởi mở,
trao đổi thẳng thắn mọi vấn đề. Đối thoại sẽ giúp tránh được
những nghi ngờ, hiểu lầm. Nghe vợ tâm sự, nói chuyện nhà
cửa, cơm áo gạo tiền, con cái, bạn bè... Nghe chồng nói
chuyện về chính trị, xã hội, thể thao, giải trí... Yêu là nói là
nghe, nghĩa là đối thoại, là mở tâm hồn và lý trí để cùng đón
nhận, tham dự, chia sẻ tâm tình của nhau.
          Để hòa hợp trong đời sống hằng ngày, cần có phương
pháp trị liệu về phương diện tâm lý, trước nhất là bằng ngôn
ngữ. Trong sinh hoạt thường nhật, "Lời nói không mất tiền
mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Vì thế, đừng dùng
ngôn ngữ chết, chẳng hạn, vợ hỏi chồng: "Sao giờ này mới
về?", Chồng trả lời: "Anh bị nổ lốp xe", Vợ: "Sao hôm qua,
hôm kia không nổ lốp mà hôm nay lại nổ?". Trong câu hỏi nảy
đã hàm ý câu trả lời, người bị hỏi không thể trả lời hợp lý
được, vì thế dễ xảy ra xung đột. Cho nên cần phải sử dụng câu
hỏi mở trong quan hệ vợ chồng để tìm hiểu vấn đề tận tường,
chẳng những thế, những câu hỏi thích hợp, đúng lúc còn thể
hiện sự quan tâm, yêu thương, săn sóc làm người được hỏi
cũng cảm thấy ấm lòng. 
6.Thay lời kết:
              Những định luật trên đây không áp dụng riêng rẽ,
nhưng bổ túc, liên hệ với nhau và là những định luật rất quan
trọng, chi phối đời sống vợ chồng. Nó không phải là tất cả
những sự khác biệt, bởi mỗi con người là một huyền nhiệm.
Nhưng ít ra nó rất hữ ích giúp đôi bạn hiểu được phần nào
người yêu của mình, đồng thời tránh được những phán đoán,
những thái độ chủ quan thường đưa đến bất hòa đổ vỡ.
              Tình yêu chân thật là thấy rõ khuyết điểm của người
yêu, nhưng vui vẻ đón nhận, đống thời khám phá ra ưu điểm
của họ mà khéo léo phát huy. Trong đời sống dôn nhân gia
đình, để tạo đuọc sự hòa hợp trọn vẹn và vững bền, hai vợ
chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm
thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong dự tôn trọng và
yêu thương chân thành.
         Gần đây, người ta đã khám phá ra rằng càng sống chung
với nhau lâu năm, trên khuôn mặt của đôi vợ chồng càng có
những nét giống nhau. Thiết tưởng không riêng trên khuôn
mặt, mà còn cả trong tâm hồn. Đó là thành quả của biết bao
nhiêu cố gắng yêu thương, hoà hợp và tha thứ trong cuộc sống.
Những cố gắng ấy luôn được Thiên Chúa chúc phúc: “Thầy
còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em
hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh
Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20)
GHI NHỚ :
1. H. Giới tính là gì?
          T. Giới tính là tất cả những đặc điểm phân biệt người nam với người nữ.
2. H. Giới tính ảnh hưởng thế nào trên con người?
          T. Giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, đặc biệt đối với đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh.
3. H. Về phương diện tổng quát, người nam và người nữ khác nhau thế nào?
          T. Người nam và người nữ khác nhau không chỉ về vóc dáng bên ngoài, mà còn khác nhau về tâm tính, cách nhận thức và hành động.
4. H. Về phương diện tâm lý, sự khác biệt giữa người nam và người nữ được diễn tả thế nào?
          T. Được diễn tả bằng năm định luật sau đây:
          - Một là ưu tiên.
          - Hai là phân cách.
          - Ba là chi tiết.
          - Bốn là bất đồng cảm.
          - Năm là thính giác.
5. H. Vợ chồng phải làm thế nào để tạo sự hoà hợp?
          T. Để tạo sự hoà hợp, vợ chồng phải hiểu rõ những khác biệt của nhau, để cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
GỌI Ý SUY NGHĨ :
1. Tình yêu là “thần dược” giúp cho hai người biến đổi để ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, sự biến đổi quan trọng nhất vẫn là biến đổi chính mình. Đâu là những khuyết điểm của bản thân mà Anh chị thấy cần khắc phục để có thể đem lại hạnh phúc cho nhau?
2. Tình yêu không mù quáng: Thấy yếu đuối của người yêu và cố sức gánh vác; thấy khả năng của người yêu và tế nhị khơi dậy. Anh chị nghĩ gì về điều này?
3. Làm thế nào để những khi gặp thử thách bên ngoài, làm ăn thua lỗ, vợ chồng có thể trở thành nguồn an ủi cho nhau, ngồi bên nhau như những tri kỷ. Trong thời gian chuẩn bị này, anh chị nên suy nghĩ với nhau và tìm ra đáp số cho bài toán này.
CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con giới tính để chúng con có thể vận dụng mà gặp gỡ, yêu thương và hiệp thông với người khác. Xin giúp chúng con luôn ý thức rằng giới tính là một ân huệ Chúa ban, để chúng con biết làm chủ và sử dụng đúng theo ý Chúa muốn. Amen.

Phanxicô Xaviê  (Tổng hợp)






TRIỂN NỞ TRONG TÌNH YÊU


        Bạn là nam hay nữ, bạn không được sinh ra để sống cô độc. Bạn chỉ thật sự là người khi bạn có liên hệ với người khác.

          Trong mọi mối tình của con người đối với nhau, không có mối tình nào trọn vẹn, đạt chiều sâu, phong phú và diễn tả được ý nghĩa đầy đủ bằng tình yêu giữa người nam và người nữ trong hôn nhân.
  Thiên Chúa, trong ý định nhiệm mầu của Người, đã muốn người nam và người nữ gặp gỡ nhau, kết hợp với nhau để nên một. Sự khám phá ra Eva, Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho Adam ngày xưa. Những Adam thời nay cũng có một ngày thức dậy khám phá thấy Eva của mình. Chính các bạn có kinh nghiệm bản thân về điều đó. Khi còn là một em bé, một thiếu niên, các bạn đã khám phá ra thế giới chung quanh và say sưa với những gì nhìn thấy. Thế nhưng rồi đến một hôm, tất cả những chuyện đó : thiên nhiên, khoa học, nghệ thuật,… không còn hấp dẫn và làm các bạn thỏa mãn. Trái tim các bạn bắt đầu đi tìm kiếm. Các bạn vất bỏ sau lưng những trò chơi của tuổi thơ, những giấc mơ của thời niên thiếu, bởi vì các bạn đã khám phá thấy tình yêu. Sự khám phá này lớn lao đến nỗi người ta quên hết tất cả công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy… Người ta sẵn sàng bỏ hết mọi sự, lìa bỏ cha mẹ, anh chị em để tìm đến với nhau, bởi vì họ đã khám phá ra một kho tàng vô giá, một nửa kia đem lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc đời họ.
          Sự hấp dẫn giữa người nam và người nữ là một tự nhiên không cần ai dạy bảo. Tình yêu cũng tự nhiên như vậy. Tình yêu nằm trong bản chất con người. Nhưng hỏi tình yêu là gì, không ai trả lời được trong vài hàng hay vài trang giấy. Đã có bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu bài thơ hay bản nhạc nói tới tình yêu, về đủ mọi khía cạnh của tình yêu, nhưng dường như tất cả vẫn chưa nói được gì. Cuối cùng tình yêu vẫn còn được coi như một mầu nhiệm, một cái gì khó phân tích , diễn giải.
         Trong số những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại từ hơn 2000 năm nay, qua mọi thứ tiếng của loài người, để xây dựng nền văn minh của sự sống nhân tính, có lẽ không có từ nào lại nặng nghĩa bằng chữ : yêu. Chữ yêu thường có một hấp lực quyến rũ kỳ diệu. Yêu chiếm địa vị nào trong hướng sống của mỗi người, của bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau kể từ khi khai thiên lập địa cho đến nay ? Đã là người không thể nào không đặt vấn đề yêu. Nhưng tìm yêu ở đâu ? Có thể nào yêu mà không gặp thử thách hay ảo tưởng ? Có khi nào sống yêu mà không biết mình đang yêu hay đã được yêu ?...

     Truyền thống dân tộc chịu ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa Trung Quốc mà nguồn gốc là Tam Giáo (Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo), qua những thuần phong mỹ tục như : thờ phụng tổ tiên, lễ nghi cưới hỏi, đạo vợ chồng, có nhiều con nối dõi tông đường, nhất là con trai,…Những tư tưởng hướng đạo về đời sống vợ chồng qua truyền thống dân tộc, không thấy đề cập đến vấn đề “yêu” như một giá trị tôn giáo, tuyệt đối, cột trụ.

       Tư tưởng Khổng giáo, còn được gọi là Nho giáo hay Đạo Khổng là tư tưởng chú trọng vào nề nếp trật tự, xây dựng con người có trách nhiệm, giữ đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội. Hướng chỉ đạo đời sống con người theo Khổng giáo có thể tóm lược vào bốn chữ “ngũ luân, ngũ thường” được gọi là luân thường đạo lý ở đời. Ngũ luân là tình vua tôi, tình cha con, tình chồng vợ, tình anh em, tình bè bạn. Ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

       Học thuyết của Khổng giáo muốn ổn định thế quân bình của hai năng lực được coi như động lực hóa sinh của mọi sự vật là khí âm và khí dương. Theo Kinh Lễ, khí âm hay sinh nhưng phải có khí dương mới sinh được, khí dương hay nuôi vật nhưng nếu không có khí âm thì không lớn được. Cho nên trai phải có vợ gái phải có chồng, phối hợp âm dương mới có thể sinh trưởng được. Vì vậy theo lẽ tự nhiên của Tạo Hóa, đã có khí âm khí dương ắt phải có đôi lứa vợ chồng. Dù là trời đất cũng có vòng phu thê. Có âm dương phối hợp mới có trời đất. Khổng giáo coi đời sống vợ chồng là  lẽ tự nhiên của trời đất. Như vậy vấn đề duy nhất chỉ được nhìn dưới một khía cạnh, là thiên nhiên như một hấp lực đực cái giống như mọi sinh vật khác, và không đặt vấn đề yêu đương.

       Lão Tử là một người có tư tưởng phóng khoáng, thích sống đời ẩn dật, đơn giản và khiêm tốn. Những tư tưởng của ông được ghi chép trong cuốn :”Đạo đức kinh”, nên phái của lão Tử được gọi là Đạo giáo, Lão giáo hay Đạo Lão. Chữ “đạo” của lão Tử có rất nhiều nghĩa : vừa là nguyên thủy của vũ trụ, vừa là toàn thể vũ trụ, vừa là nguyên tố của vạn vật, vừa là con đường tu dẫn những người tu theo Đạo giáo (cả nam lẫn nữ) tới nhịp chuyển vận của vũ trụ để được trường sinh bất tử trong “vô vi”. Lão giáo không nói gì về hôn nhân và vợ chồng, không nói gì về vấn đề yêu đương. Chỉ khuyên con người nên sống tiêu dao, dinh dưỡng thể xác và tâm hồn, càng hòa hợp với thiên nhiên bao nhiêu càng được hạnh phúc bấy nhiêu.

          Những tư tưởng chính yếu của Phật giáo được trình bày trong “Tứ Diệu Đế” nghĩa là bốn chân lý nhiệm mầu mà Đức Phật đã giác ngộ sau khi tham thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Bốn chân lý ấy là : Khổ đế - Tập đế - Diệt đế - Đạo đế, con đường thắng ham muốn là con đường tu, là chiêm niệm, từ bi, thờ ơ với phúc họa để ra khỏi vòng luân hồi của cõi vô thường, tới được niết bàn là nơi thinh không thanh tịnh không còn ham muốn. Chữ “ái” nghĩa là “yêu” được xếp vào “Thập Nhị Nhân Duyên” là một trong mười hai sự ham muốn lôi cuốn con người vào vòng luân hồi của cõi “vô thường”. Những tư tưởng này đã được nhiều nhà thơ diễn tả. Nhưng người diễn tả thâm thúy vừa gọn vừa hay là thi hào nguyễn Du trong câu thơ “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Trong câu thơ này chữ tình có nghĩa là sự lưu luyến nam nữ muốn được kết tóc se tơ. Tình là dây oan, vì tình là một ham muốn mãnh liệt trói buộc con người vào đau khổ như sợi dây oan nghiệt.

      Nói tóm lại, vấn đề tình yêu nam nữ và vợ chồng, những tư tưởng hướng đạo trong Tam Giáo thay đổi tùy theo mỗi đạo. Đạo Khổng coi đây là lẽ tự nhiên của trời đất. Đạo Lão không đặt vấn đề trong đường tu đạo tới hòa đồng với thiên nhiên. Còn Phật giáo xếp chữ tình vào thập nhị nhân duyên của cõi vô thường. Như vậy quan niệm về yêu như một hướng sống có thể coi như một quan niệm rất mới trong vấn đề nhân sinh, không những cho dân tộc chúng ta, mà còn cả cho những dân tộc chịu ảnh hưởng của Tam Giáo từ hàng ngàn năm qua.
        Cuối cùng, tình yêu vẫn thật khó mà định nghĩa. Tuy nhiên, theo Thánh Kinh, yêu là tất cả. Trời yêu, người yêu. Đời này yêu, đời sau yêu. Sống ngoài đời hay sống đường tu, hướng sống của mọi người đều là yêu. Nhưng vấn đề quan trọng không phải ngồi đó mà định nghĩa tình yêu, mà phải biết được lúc nào mình yêu hay mình đã yêu chưa, yêu ở mức độ nào và yêu như vậy rồi thì sao ?
Người ta yêu khi người ta để ý tới một người, ngẩn ngơ vì không thấy mặt người đó hoặc hăng hái làm việc khi thấy người đó đang cùng làm việc với mình. Nếu vẫn để ý tới một người, nhưng sự có mặt, hay niềm vui, nỗi buồn của người ấy không ảnh hưởng tới mình, thì có lẽ người ta chỉ mới có tình cảm.
Khi mới yêu nhau, người ta có thể chỉ mới cho những gì ở bên ngoài mình như cho một món quà… Rồi sâu xa hơn, người ta cho nụ cười, ánh mắt, lời nói, thời gian… Và cuối cùng người ta cho chính bản thân mình. Đã yêu thì không phải chỉ cho một lần, nhưng cho mãi, cho tới khi mình không còn gì nữa và người nhận cũng không thể nhận thêm được gì. Chúng ta càng không thể lấy của người thứ ba cho người thứ hai, nhưng lấy từ những gì của chính mình, như Adam nhường cho Eva một phần thân thể của ông.
Đã cho thì không hề đặt điều kiện với người nhận. Vì nếu không nó sẽ trở thành một sự cầm cố, vay mượn, mua bán hay đổi trác. Cho mà không nhận sẽ nghèo đi và rơi vào tự kiêu. Nhận mà không biết cho cũng làm cho con người nghèo đi, vì rơi vào thái độ ích kỷ, hưởng thụ.
Có thể ta không thấy khó khăn lắm khi nhận một món quà, một nụ cười, một biểu lộ thiện cảm của người khác. Nhưng sẽ thật khổ khi phải nhận toàn thể con người của người khác với bao tính xấu lẫn khuyết điểm còn tiềm ẩn, cùng những dự định, ưu tư, lo lắng của họ… Khổ nhưng ta vẫn sẵn lòng đón nhận một khi ta đã yêu, như vậy mới gọi là tình yêu đích thực. Và điểm hẹn của tình yêu ấy chính là hôn nhân.
Với lời cam kết :”Anh (em) nhận em (anh)… làm vợ (chồng) và húa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”, đôi bạn chính thức trở thành vợ chồng. Lời cam kết này khép lại thời kỳ đính hôn, đồng thời mở ra  cánh cửa cho cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Trong đời sống hôn nhân và gia đình, việc tiếp tục vun xới cho tình yêu lứa đôi là một việc rất quan trọng. Gia đình có được hạnh phúc hay không, chủ yếu là do hai vợ chồng có biết chăm sóc cho tình yêu thuở ban đầu, để tình yêu ấy dần dần trở thành ân sâu nghĩa nặng, không bao giờ tàn phai.
Thế nhưng, làm sao để tình yêu dành cho nhau mỗi ngày một thêm triển nở? Làm sao để sống lời cam kết ngày thành hôn? Để tình nghĩa vợ chồng ngày càng thêm đậm đà và bền chặt, vợ chồng cần phải :
1.  Tôn trọng nhau :
Trong ngày thành hôn, anh chị cầm tay nhau cam kết sẽ yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ một năm, hai năm hay năm năm, mà là “mọi ngày suốt đời” nhau.
Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc thành công, thịnh vượng và mạnh khỏe, trái lại cả trong những lúc gian nan, thất bại và bệnh tật càng cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn nữa. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ tục tằn, thô lỗ, hoặc nói xấu nhau với người thứ ba. Ngược lại biết dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, những củ chỉ trân trọng, lịch sự.
2.  Hy sinh cho nhau :
Một trong những bằng chứng về tình yêu chân thật, đó là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ thì chưa phải là yêu nhau thực sự. Trời còn có lúc nắng lúc mưa. Cuộc đời mỗi người cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, có lúc vui lúc buồn, có lúc khỏe mạnh lúc ốm đau. Do đó tình yêu luôn đòi hỏi sự thủy chung. Nếu chỉ yêu nhau lúc thịnh đạt, mạnh khỏe, còn khi gặp gian nan khốn khó, rủi ro thì lìa bỏ nhau, thử hỏi như vậy có phải là yêu nhau chân thật hay không? Khi thành thật yêu nhau, người ta phải biết chấp nhận thực tế đó.
Ngược lại với sự quên mình là tính ích kỷ. Người ích kỷ thường độc tài, độc đoán, chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ biết đến quyền lợi của mình. Hy sinh quên mình là vì hạnh phúc của vợ chồng, của con cái. Hy sinh trong những vấn đề cụ thể. Hạnh phúc gia đình được xây dựng bằng những điều nhỏ mọn, bằng những hy sinh liên lỉ hằng ngày của cả hai, chẳng hạn như trong việc sử dụng tiền bạc, thời giờ, mua sắm, giải trí,… đừng bao giờ quyết định theo sở thích riêng của mình, bất chấp sở thích của vợ hoặc chồng.
Khi xảy ra mâu thuẫn do bất đồng ý kiến, hy sinh có nghĩa là “một sự nhịn chín sự lành”. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lĩnh vực luân lý hay đạo đức. Chấp nhận điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, nhưng là đồng lõa với cái xấu vá càng làm hại người kia hơn.
Sự hy sinh còn được biểu lộ qua việc quan tâm chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn đời gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn trong cuộc sống. Đây chính là lúc các bạn sống lời cam kết trung thành với nhau trong ngày thành hôn.
3.  Đối thoại với nhau :
Đối thoại là yếu tố quan trọng giúp duy trì và củng cố hạnh phúc trong gia đình. Nhờ đối thoại, vợ chồng, cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, giảm bớt đi những bất bất đồng.
Đối thoại là nói và nghe. Cần nói cho nhau biết những điều mình suy nghĩ và mong ước, đồng thời cần lắng nghe những suy nghĩ và mong ước của người khác. Không chỉ nghe bằng đôi tai nhưng bằng cả khối óc và con tim.
Những chuyện quan trọng trong gia đình, vợ chồng cần bàn bạc và chia sẻ với nhau. Cha ông ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Làm việc gì cũng nên thống nhất trước khi hành động. Trong lúc bàn bạc, cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, không nên độc tài, độc đoán, áp đặt ý kiến của mình.
Nếu thường xuyên chia sẻ tâm tình với nhau, vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến chỗ thống nhất trên các lĩnh vực công ăn việc làm, tổ chức đời sống, giáo dục con cái, giải trí, giao tiếp bạn bè, đời sống đạo đức… Nhờ đó sẽ hiểu nhau, tin tưởng và gắn bó với nhau hơn.
4.  Dành thời gian cho nhau :
Yêu nhau, người ta luôn nghĩ đến nhau và muốn ở bên cạnh nhau. Tình yêu cần sự hiện diện của nhau. Nhiều cặp vợ chồng đã đi tới chỗ đổ vỡ vì thường phải sống xa nhau hoặc qua lo công ăn việc làm, không còn để ý gì đến nhau. Do đó, vợ chồng cần ưu tiên dành thời giờ cho nhau, chuyện trò tâm sự với nhau, chia sẻ cho nhau những niềm vui, những nỗi buồn trong cuộc sống, nói lên nhưng suy nghĩ, những ý định của mình, cũng như nâng đõ, an ủi, khích lệ và cổ vũ lẫn nhau cùng vui sống.
5.  Nói với nhau những lời âu yếm :
Tình yêu hai vợ chồng dành cho nhau cần được khẳng định mỗi ngày qua những lời nói dịu dàng, những cử chỉ âu yếm. Những lời nói đó tuy đơn sơ, nhưng lại chính là hương thơm ướp cho tình yêu thêm đậm đà.
6.  Làm tròn bổn phận vợ chồng :
Nên một trong thân xác là một trong những yếu tố nòng cốt của tình yêu vợ chồng. Vợ chồng luôn muốn nên một với nhau cả về tâm hồn lẫn thể xác. Họ muốn trao hiến, hòa tan trong nhau, để đem lại hạnh phúc cho nhau. Đừng làm cho vic65 chăn gối thành nhàm chán và nghèo nàn, nhưng cần làm cho nó nên mới mẻ và phong phú, để mỗi lần trao hiến cho nhau, cả hai đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
7.  Cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau :
Đời sống cầu nguyện trong gia đình thật cần thiết, nhất là giữa hai vợ chồng với nhau. Ví thế, phải thường xuyên cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Hạnh phúc của gia đình là được có Chúa hiện diện trong nhà, chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Ngài ở giữa như nút dây nối kết hai vợ chồng, giúp họ biết lắng nghe và hiểu nhau, thủy chung với nhau, cùng nhau vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc sống.


GHI NHỚ :

1. H. Vợ chồng phải làm gì để tình yêu luôn được triển nở?

T. Vợ chồng cần phải:

 - Một là tôn trọng lẫn nhau.

- Hai là hy sinh cho nhau.

- Ba là đối thoại, chia sẻ tâm tình với nhau.

- Bốn là dành thời giờ cho nhau.

- Năm là nói với nhau những lời âu yếm.

- Sáu là làm tròn bổn phận vợ chồng.

- Bảy là cầu nguyện với nhau và cho nhau.

GỢI Ý SUY NGHĨ :

1. Chúa sinh ra người nam và người nữ khác biệt với nhau về nhiều mặt, và Chúa lại muốn họ sống chung với nhau. Theo ý kiến của anh chị tại sao lại thế? Và vì mục đích gì?

2. Đâu là yếu tố quan trọng nhất mà anh chị cần đặc biệt quan tâm để giúp cho tình yêu của anh chị được triển nở?

CẦU NGUYỆN :

Lạy Chúa, qua bí tích Hôn phối Chúa đã kết hợp hai người nam và nữ thành một gia đình duy nhất và bền vững, một cộng đoàn của sự sống và tình yêu. Xin giúp chúng con, là những người đang được Chúa mời gọi bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình, biết luôn cố gắng thực thi thánh ý Chúa bằng cách từ bỏ ý riêng cùng với những đam mê, tính hư, tật xấu, để hợp tác với Chúa và với người bạn đời trong việc xây dựng gia đình ngày càng triển nở hơn trong tình yêu của Chúa. Amen.
 
Phanxicô Xaviê (Tổng hợp)







GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT 
TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

            Chúng ta đã có dịp tìm hiểu những sự khác biệt căn bản giữa nam và nữ, những định luật giúp hòa hợp những dị biệt ấy. Những định luật này không áp dụng riêng rẽ, nhưng bổ túc, liên hệ với nhau và là những định luật rất quan trọng chi phối đời sống vợ chồng. Nó không phải là tất cả sự khác biệt, bởi mỗi con người là một huyền nhiệm. Nhưng ít ra nó rất hữu ích để giúp các bạn hiểu được phần nào người yêu của mình. Và khi nắm vững được những khác biệt tâm lý này, các bạn sẽ tránh được những phán đoán, những thái độ chủ quan dẫn đến bất hòa, mâu thuẫn.
            Giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, là tất cả những đặc điểm để phân biệt người nam với người nữ. Nó liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương, truyền sinh và tổng quát hơn là khả năng thực hiện những quan hệ hiệp thông với người khác.
            Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi người ta quên mất rằng người bạn đời là một hồng ân vô cúng quí giá. Hãy tưởng tượng một sớm mai thức dậy, người ấy đã không còn ở bên cạnh bạn nữa! Hoặc giả như mọi ngày người vợ vẫn đón chồng đi làm về lúc 17g chiều, thế mà chiều nay đã hơn 17g30, rồi 18g… không thấy anh ấy về. Giữa bao nhiêu câu hỏi trong đầu, thoáng thấy một câu hỏi khiến cho chị phải rùng mình: “Nếu anh ấy có mệnh hệ nào, Chúa ơi, làm sao con sống được?”
            Không sống được bởi vì bị lấy mất một phần của chính mình, xương thịt của chính mình, như Hàn Mặc Tử đã tùng viết:
                        Người đi một nửa hồn tôi mất,
                        Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
            Trước viễn cảnh đánh mất nửa kia của mình người ta buồn lắm. Thế nhưng, khi nửa ấy vẫn ở bên mình, liệu người ta có nhận ra đó là một hồng ân vô giá Chúa dành cho họ.
            Do đó trong đời sống hôn nhân gia đình, để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và bền vững, hai vợ chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành. Tình yêu chân thành là thấy rõ khuyết điểm của người khác nhưng vui vẻ đón nhận, đồng thời khám phá ra những ưu điểm của người yêu mà khéo léo phát huy.
            Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng. Sẽ có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Mặc dù hai người có yêu nhau thắm thiết, thì nhiều lúc vẫn xảy ra bất hòa. Những bất hòa có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại. Nhưng nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn.
I. Những nguyên nhân gây xung đột:
        1) Nguyên nhân sâu xa:
Những trang đầu của Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy mọi sự đều tốt đẹp. Con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hạnh phúc. Hạnh phúc đó trước hết là tình thân nghĩa với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó còn là mối giao hòa giữa con người với vạn vật. Đặc biệt Thiên Chúa cho con người được sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi vợ chồng nguyên thủy thật tâm đầu ý hợp, coi nhau như một xương một thịt. Thế nhưng rồi một hôm, người này đã coi người kia như là nguyên nhân của sự tan vỡ. Điều gì đã xảy ra giữa họ?
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? 2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết." 4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
8 Nghe thấy tiếng Ðức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Ðức Chúa là Thiên Chúa. 9 Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? " 10 Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." 11 Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? " 12 Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." (St 3, 1-12)
Con người đã khước từ vâng phục Thiên Chúa, tự định lấy điều lành điều dữ, con người đã muốn ngang bằng với Thiên Chúa, kết quả là:
-    Con người thấy xa lạ với chính mình, dục vọng trở nên thác loạn, không chịu nổi chính mình nên phải lấy lá che thân.
-    Con người xa lạ với nhau, nàng không còn là xương thịt của tôi, nhưng nàng là thủ phạm, chính nàng đã gây ra tất cả.
-    Con người xa lạ với Thiên Chúa, nên vừa nghe tiếng Chúa, con người đã chạy trốn và núp trong bụi cây.
-    Con người xa lạ với các tạo vật khác: cây cỏ, đất đá trở nên những chướng ngại cho con người.
Mọi tương quan đều sụp đổ chỉ vì một lý do duy nhất: con người không tin vào tình thương của Thiên Chúa, họ muốn tự xoay sở lấy mọi sự, họ coi mình là nhất, muốn chiếm đoạt tất cả cho mình, muốn ngang hàng với Thiên Chúa… Đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi bóng tối trong đời sống hôn nhân
2) Những nguyên nhân khác:
+ Sự khác biệt về tâm sinh lỳ giữa nam và nữ, về cách nhận thức, về quan điểm, về sở thích đối với các vấn đề trong cuộc sống.
+ Sự khác biệt do ảnh hưởng của nền giáo dục mà mỗi người đã nhận được.
+ Những trục trặc trong đời sống chăn gối.
+ Thiếu tổ chức trong gia đình.
+ Bất đồng trong việc quản lý chi tiêu.
+ Bất đồng trong việc giáo dục con cái.
+ Bất đồng trong cách cư xử với họ hàng hai bên.
        Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:
        + Về tâm lý tình cảm: tình yêu sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.
        + Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm giá con người.
        + Về gia đình: lơ là trong việc chăm sóc giáo dục con cái, dẫn đến ly thân, ly dị…
II. Những nguyên tắc giúp giải quyết xung đột trong gia đình:
            Kinh nghiệm cho thấy không phải tự nhiên mà đi đến xung đột đổ vỡ. Mọi sự đều bắt đầu từ một điều đáng tiếc đầu tiên nào đó, mở đầu cho những điều đáng tiếc tiếp theo rồi dần dần càng lúc càng trầm trọng hơn. Vết thương đầu tiên ấy có thể chỉ bình thường như: một sự lừa dối nhỏ, một sự tự ái vặt, một câu nói thiếu kiềm chế… Thế nhưng nó lại có tính quyết định và mở đường cho những vết thương khác.
        1) Biện pháp ngăn ngừa:
           1.1 Trước khi kết hôn, đôi bạn cần tìm hiểu nhau kỹ lưỡng để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán trao đổi.
           1.2 Cần học hỏi, trang bị những kiến thức căn bản nhằm nuôi dưỡng tình yêu.
           1.3 Bàn hỏi với những người khôn ngoan, có kinh nghiệm để biết cách sống hòa hợp và giải quyết những bất hòa trong gia đình.
           1.4 Cần sửa đổi chính mình để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn.
           1.5 Tập thói quen đối thoại: việc hiểu nhau chỉ thực sự tốt đẹp, đồng thời mang lại kết quả xây dựng nếu hai người đối thoại cởi mở với nhau.
            Đối thoại nghĩa là nói, bày tỏ và lắng nghe, đón nhận ý kiến người khác. Không bao giờ chỉ nói hoặc nghe suông. Đây là phương thế để loại bỏ những nghi ngờ, những hiểu lầm, để đem lại hiểu biết, cảm thông. Nó làm cho những băn khoăn, lo lắng, vất vả nặng nề trong đời sống vợ chồng trở nên nhẹ nhàng vui tươi. Vợ chồng nên thẳng thắn bày tỏ đời sống của mình, đừng giả vờ che đậy, đừng thu vào vỏ ốc kín đáo. Nên nhớ rằng: mọi chi tiết của đời mình từ nay đều là của người yêu và ngược lại. Do đó anh hãy tập nói với chị và nghe cách chăm chú, kiên nhẫn. Chị cũng hãy tập nói với anh và chú ý nghe anh. Nếu không sẽ chẳng ai hiểu ai. Nhiều đôi vợ chồng rất lanh mồm lẹ miệng khi xét đoán, lên án nhau. Nhưng lại rất chậm chạp khi nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Và như thế hiểm nguy đang tới gần.
            2) Khi xảy ra xung đột:
           + Thái độ của mỗi người:
* Tự chủ: tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng, kìm hãm tính nóng nảy và tự ái.
* Có thiện chí muốn giải quyết vấn đề: vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến chỗ hợp nhất, chứ không phải để ăn thua hoặc để hạ nhục nhau đi đến chia rẽ xa cách. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bảo vệ sai lầm của mình.
            + Phương pháp giải quyết:
* Đối thoại: biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng biết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến cũng như quan điểm của người kia. Hướng vấn đề vào mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.
* Chấp nhận khuyết điểm của mình, can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm để cố gắng sửa đổi.
* Cố gắng hàn gắn và làm lành: sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng, giận hờn kéo dài chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.
* Nhờ trung gian hòa giải: cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, khách quan, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên chân tình giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.
* Cầu nguyện: nếu vợ chồng biết cầu nguyện chung thường xuyên với nhau, chắc chắn sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hòa với nhau, đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.
Kết luận:
            Giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu ngay khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt giũa cái “tôi” nhiều tự ái và vị kỷ, ngõ hầu cuộc sống gia đình được hài hòa và hạnh phúc hơn.
            Bí quyết của hạnh phúc chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày bị tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhớ tới những tháng ngày sống bên người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên dường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe… Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.
            “Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống” có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với niềm cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, đau khổ và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng đõ nâng của Thiên Chúa.
GHI NHỚ :


1. H. Vợ chồng cần có thái độ nào khi xảy ra xung đột?


T. Vợ chồng cần giữ những nguyên tắc này :


- Một là tự chủ.


- Hai là có thiện chí muốn giải quyết.


- Ba là đối thoại với nhau.


- Bốn là chấp nhận khuyết điểm của mình.


- Năm là cố gắng hàn gắn và làm lành.


- Sáu là nhờ người làm trung gian hoà giải.


- Bảy là cầu nguyện để biết cách giải quyết theo tinh thần của Chúa.


GỢI Ý SUY NGHĨ:


1. Khi xảy ra những bất đồng trong gia đình, trước tiên anh chị sẽ có thái độ nào? Ai trong anh chị sẽ là người đi bước trước để ngồi lại với nhau?


2. Khi xảy ra xung đột, anh chị sẽ đến với ai để nhờ làm trung gian hoà giải? Trung gian đó phải là người như thế nào?


3. Việc cầu nguyện đem lại gì cho tình yêu của anh chị? Anh chị có kinh nghiệm gì về việc cầu nguyện khi gặp những chuyện trục trặc với nhau?


CẦU NGUYỆN:


KINH HOÀ BÌNH CỦA THÁNH PHANXICÔ


Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.


Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.


Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.


Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình. 

Phanxicô Xaviê (Tổng hợp)



 

Nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu!

Tình yêu là gì? Từ quan điểm của mình, ai cũng có thể trả lời một cách cụ thể nhất hay trừu tượng nhất về tình yêu. Câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn vì ai cũng biết về tình yêu, ai cũng có thể nói tiếng yêu, nói về tình yêu và thể hiện tình yêu, nhưng để đưa ra một câu trả lời, một định nghĩa chung nhất để mọi người có thể chấp nhận là điều không dễ chút nào.
Tình yêu vốn đã khó định nghĩa như thế nên nuôi dưỡng tình yêu lại là chuyện càng khó hơn. Với sự phát triển của xã hội ngày nay, tình yêu tưởng chừng như có cơ hội triển nở khi truyền thông ngày càng bùng nổ với điện thoại, internet, chat, email là những phương tiện hỗ trợ đắc lực. Nhưng nhịp sống hiện đại vội vã làm cho người ta đi theo hướng yêu gấp, sống thử, quan niệm phóng khoáng, tự do đối với tình yêu, và có thể là do thời gian dành cho công việc nhiều,… nên ít thời gian dành cho tình yêu. Bên cạnh đó, với cơ hội giao tiếp rộng, nên người ta có nhiều lựa chọn làm nảy sinh tâm lý thích tìm cái mới, không thích yêu nữa thì chia tay. Ngoài ra còn có các yếu tố khác ảnh hưởng tới tình yêu như: tư duy vật chất của nền kinh tế thị trường, áp lực từ công việc và cuộc sống khó khăn, kẹt xe, ô nhiễm,… làm cho thiếu bình an nội tại, vai trò người vợ thay đổi khi phụ nữ muốn chứng tỏ mình ngoài xã hội…
Có còn không “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” của nhà thơ Hồ Dzếnh?
Khi yêu nhau, người ta thường hứa yêu nhau suốt đời, khi cưới thì trước mặt Thiên Chúa cũng hứa trọn đời bên nhau nhưng tại sao tình yêu lại chết? có phải họ là người không ra gì? Hoàn toàn không! Vấn đề đặt ra là tình yêu sau ngày cưới sẽ đi về đâu? Điều gì đã xảy ra với tình yêu sau ngày cưới? Những vợ chồng khác có gặp phải trường hợp tương tự như trường hợp của người đàn ông vừa rồi? Những cặp vợ chồng không ly hôn phải chăng họ chấp nhận đời sống hôn nhân không tình yêu hay tình yêu vẫn ngự trị trong họ? Nếu họ vẫn có tình yêu thì sao họ may mắn thế? Bí quyết ở đâu?
Với câu hỏi phỏng vấn nhanh được diễn giả đưa ra: “Kinh nghiệm nuôi dưỡng tình yêu của anh/chị?”, các tham dự viên đã hào hứng, sôi nổi đưa ra “mỗi người 1 tuyệt chiêu” là kinh nghiệm nuôi dưỡng tình yêu của bản thân mình hay của những người thân quanh họ, có thể kể đến các bí quyết mà các tham dự viên đưa ra: chấp nhận, đón nhận, lắng nghe, tôn trọng nhau, tin tưởng nhau, biết cách giải quyết xung khắc, tặng quà cho nhau, quan tâm và làm điều bất ngờ, quy ước giữa vợ và chồng, chấp nhận và hy sinh, thành thật và giữ khoảng cách nhất định, dành thời gian cho nhau, chung thủy, biết cách đón nhận, công việc ổn định, biết cách làm mới mình, giúp đỡ nhau, học cách chịu đựng nhau, hài hước, cùng nhau chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau đi ăn - đi chơi - đi ngủ…
Đã có rất nhiều kinh nghiệm nuôi dưỡng tình yêu được các tham dự viên chia sẻ và đồng cảm với nhau, qua đó có thể đưa ra một nghệ thuật nuôi dưỡng tình yêu bằng 6 bí quyết. Quy tắc đầu tiên:“Được là chính mình”, phải làm sao để người Nam, người Nữ trong tình yêu, người vợ, người chồng trong hôn nhân được là chính mình khi ở bên nhau vì “Ai đó yêu bạn không phải vì bạn là ai mà vì họ sẽ là ai khi họ đi bên cạnh bạn”. Khi bên nhau, mỗi người có được chấp nhận lẫn nhau không, có là chính mình không, có thấy thoải mái bộc lộ con người mình không hay là phải che giấu, không được thông hiểu, cảm thông, tha thứ… đó là điều rất quan trọng.
Nam tài tử Garry Cooper, một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong thập niên 50 đã cảm nhận hạnh phúc được là chính mình khi viết về người vợ như sau: “Rocky là một người đàn bà kỳ diệu. Nàng là một người vợ đã thích nghi với tính khí và công việc của tôi. Nàng cũng biết cảm thông với những lỗi lầm của tôi. Nhất là nàng đã biết ở bên cạnh tôi mỗi khi nàng có thể, mỗi khi tôi cần đến nàng. Nàng là một người vợ đích thực".
Khi yêu nhau thì cái gì cũng đẹp, nhưng đến khi cưới nhau rồi, đã thành vợ thành chồng rồi thì đời sống dễ làm cho vợ chồng nhàm chán nhau, thế nên cần loại bỏ sự nhàm chánbằng cách làm mới mình. Cần phải biết rằng sự nhàm chán là kẻ thù rất nguy hiểm cho đời sống, nguyên nhân của nhàm chán là do sự đơn điệu trong tiếp xúc nhau hằng ngày. Theo tâm lý học thì Quy luật thích ứng của cảm giác cho rằng: “Một kích thích nếu tác động liên tục vào giác quan một cách đơn điệu thì cảm giác về kích thích đó yếu dần đi và có thể mất hẳn”. Nếu không đổi mới trong mọi phương diện thì sẽ dễ đổ vỡ vì cuộc sống quá nhàm chán sẽ làm cho tình yêu dần mất đi. Sự thích nghi với nhau, nhàm chán hay mới lạ, người ta có thể muốn tiếp tục hay dừng lại cuộc hôn nhân là do quá trình của 5 năm đầu sau khi cưới mang tính quyết định, đa số các cuộc ly hôn xảy ra trong giai đoạn này. Cần phải biết nuôi dưỡng tình yêu qua việc tìm hiểu và đổi mới bản thân, đổi mới lẫn nhau để loại bỏ sự nhàm chán: “Muốn quyến rũ là phải biết nghĩ là mình quyến rũ. Nghĩ là mình quyến rũ sẽ giúp bạn hành động quyến rũ hơn và toát ra vẻ quyến rũ về phía người khác giới.” (Julia Grice, Để trở thành một phụ nữ hấp dẫn).
Ông bà ta có câu “Tâm sinh tướng”, tâm của con người được nâng đỡ bởi đức tin, khi tâm của con người trong sáng thì tướng thanh tao, dễ mến. Con người muốn đẹp thì phải tu tâm, làm theo những gì mà niềm tin tôn giáo giảng dạy vì tâm hồn thánh thiện sẽ tỏ lộ vẻ đẹp trong mắt người khác.
Lệch pha trong nhan sắc, trình độ, kinh tế, trong quan hệ vợ chồng sẽ làm cho hạnh phúc vơi dần đi, thế nên cần giúp đỡ nhau cùng tiến. Hãy đồng hành cùng nhau trong nhiều lĩnh vực, vợ giúp chồng tiến, chồng giúp vợ tiến bước, đừng mãi mê chạy một mình.
Kinh nghiệm thứ tư là kỹ năng giao tiếp như thành thật, lắng nghe, tôn trọng, tin tưởng, có quy ước với nhau, học cách chịu đựng trong đời sống hôn nhân... Cần học sự giao tiếp qua giọng nói, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ… trong đó sức mạnh của thông điệp thể hiện ở hình ảnh chiếm 55%, giọng nói chiếm 38%, ngôn từ chiếm 7%.
Giao tiếp là chuyển cho nhau những thông điệp và hình ảnh trong giao tiếp rất quan trọng nhưng đôi khi người ta lại chỉ chú ý đến lời nói: “Em bảo anh đi đi, sao anh không đứng lại. Em bảo anh đừng về sao anh vội về ngay. Lời nói thoảng gió bay, đôi mắt huyền đẫm lệ. sao mà anh ngốc thế, không nhìn vào mắt em”. Trong tình cảm, tình yêu, đôi khi không thể dùng lời nói mà thuyết phục được, có vạn lần cách nói anh yêu em và không cần nói bằng lời. Nhưng nếu đã nói thành lời những ý nghĩ của mình thì giọng nói không kém phần quan trọng: “Không có sự hấp dẫn giới tính nào bằng giọng nói”. Cần lắm những lời thủ thỉ bên tai, bên nhau trong cuộc sống hôn nhân.
Ánh mắt là một yếu tố của hình ảnh để níu kéo tình yêu: “Không phải anh hôn đôi mắt; Anh hôn cái nhìn của em; Mắt em một vừng yêu mến; Thắt anh trong lưới êm đềm” (Bài thơ Hôn cái nhìn, của Xuân Diệu). Khi người phụ nữ dành cho người đàn ông ánh mắt yêu thương, ánh mắt tôn trọng, ánh mắt tha thứ, ánh mắt chấp nhận thì lưới êm đềm này chính là lưới tuyệt vời nhất để giữ gìn tình yêu.
Nụ cười: 150 lít nụ cười trong chiếc bánh tình yêu, nụ cười có giá trị vô cùng to lớn. Nụ cười chân thành, thân thiết là dầu bôi trơn tốt nhất cho mọi mối quan hệ, làm xoa dịu mâu thuẫn. Đôi mắt biết cười sẽ làm xúc động nội tâm người khác. Nụ cười giống như mặt trời, có thể tạo ra cho người khác nhiệt lượng và sự ấm áp.
Giao tiếp trong tình yêu không thể không nói đến đụng chạm. Đụng chạm chính là một trong những biểu hiện mạnh mẽ nhất của tình yêu, nó giúp phá tan mọi rào cản và làm giàu thêm tình cảm. Để lấy lại không khí đầm ấm trong gia đình, các nhà tâm lý học khuyến cáo một bài tập đặc biệt: hãy ôm hôn vợ/chồng bạn nhiều hơn bình thường không chỉ trong chuyện ấy. Khi bạn chạm vào ai đó một cách ân cần, chính cơ thể bạn cũng có nhiều thay đổi: Mức độ hormone căng thẳng giảm, hệ thần kinh thư thái, khả năng miễn dịch mạnh hơn và trạng thái cảm xúc cũng cải thiện. Nếu bạn không ôm 7-8 người mỗi ngày thật chu đáo, bạn sẽ bị bệnh.
Trong tình yêu cũng cần làm cho nhau cảm thấy tự tin, được là chính mình có nghĩa là phải thường xuyên khen nhau, tìm ra cái để khen vì người ta chỉ lớn lên trong lời khen chứ không lớn lên trong lời chê.
Bí quyết thứ 5 là hòa hợp trong phòng the: Những người đã lập gia đình cần phải hiểu biết nhau, phải biết nhu cầu của nhau, tìm cách hòa hợp, tìm cách thích nghi, tìm cách trao gửi, tìm cách đón nhận thì mới tìm được hạnh phúc.
Sống đời hôn nhân là thể hiện ơn gọi làm Ki-tô hữu. Ơn gọi của người vợ/ người chồng là sống cho tình yêu. Khi một người vợ/ người chồng chỉ chờ đợi được chồng/vợ yêu thương và chiều chuộng, khi một người vợ/chồng nghĩ đến tự do và quyền lợi riêng của mình hơn hạnh phúc của chồng con/ vợ con, tức là họ đã đi trên con đường dẫn đến đổ vỡ. Người ta chỉ tìm được hạnh phúc đích thực khi muốn tìm và xây dựng hạnh phúc cho người khác. Thủy chung là một đặc tính của "Bí Tích Hôn Nhân" - "một vợ một chồng bất phân ly" là tôn trọng nhau suốt đời. "Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly" và người đàn ông có vợ mà ăn ở với người đàn bà khác, hoặc ngược lại là phạm tội ngoại tình.
Bí quyết cuối cùng là cầu nguyện.Cầu Nguyện chính là duy trì và phát triển tình yêu lứa đôi bằng cách nhắm mắt lại, suy nghĩ về "vai trò của mình để tìm lấy một giải pháp tốt đẹp".  “tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24).
Hãy dành thì giờ cho nhau như Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói:
- Hãy dành thì giờ để suy nghĩ Đó là nguồn sức mạnh.
- Hãy dành thì giờ để cầu nguyện  Đó là sức mạnh toàn năng.
- Hãy dành thì giờ cất tiếng cười  Đó là tiếng nhạc của tâm hồn.
- Hãy dành thì giờ chơi đùa Đó là bí mật trẻ mãi không già.
- Hãy dành thì giờ để yêu và được yêu  Ưu tiên Thiên Chúa ban.
- Hãy dành thì giờ để cho đi  Một ngày quá ngắn để sống ích kỷ.
- Hãy dành thì giờ đọc sáchĐó là nguồn mạch minh triết.
- Hãy dành thì giờ để thân thiện  Đó là đường dẫn tới hạnh phúc.
- Hãy dành thì giờ để làm việc Đó là giá của thành công.
- Hãy dành thì giờ cho bác ái Đó là chìa khóa cửa thiên đàng.
                                  (Hãy Dành Thì Giờ - Mẹ Têrêsa Calcutta)
Trong tình yêu cần nhất là sự CHÂN THÀNH. Chân thành thì sẽ trao cho nhau những tình cảm vị tha và bao dung, chân thành mới có thể yêu được thực sự con người đó chứ không phải yêu cái cảm giác được yêu. Chân thành thì mới chấp nhận người đó để người đó được là chính mình. Chân thành sẽ cùng nhau giúp nhau tiến bộ. Chân thành sẽ có những kỹ năng giao tiếp thân thiện và hòa hợp, biết lắng nghe, biết khen, biết cười. Chân thành trong đời sống phòng the càng cần thiết, không giả dối với nhau. Trong cầu nguyện thì lại càng cần hơn nữa. 

 (Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, Giảng viên Học viện Hành chính, tham vấn tâm lý và đào tạo Kỹ năng sống.)


Phanxico Xavie

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét