SUY TƯ


Sống ơn gọi làm người

          Những người vô thần vốn không tin có Thiên Chúa, nên đồng thời họ cũng phủ nhận phẩm giá của chính mình. Vì quan niệm con người là loài linh trưởng cao cấp, nhờ lao động, mà dần về sau tiến hóa thành người. Chính quan niệm này đã dẫn tới lối sống buông thả theo bản năng tự nhiên của đại bộ phận giới trẻ ở một số nước XHCN còn lại ngày nay. Họ không thể và không còn nhận ra đâu là giá trị thực con người mình.
         Trước những tiến bộ vượt bậc của khoa học, được hưởng đời sống vật chất tiện nghi đầy đủ và hấp dẫn. Nhất là có chút tài năng hơn người và với những tham vọng đạt được, càng khiến họ dễ có ảo tưởng về mình. Nhưng cho đến nay, dường như tất cả vẫn không làm họ thỏa mãn, do đó họ lại tiếp tục tìm kiếm trong vô vọng “nguồn gốc con người”.  Nếu chỉ biết cậy dựa vào sự khôn ngoan vốn còn nhiều giới hạn của thân phận con người, chắc chắn họ không thể hiểu được con người từ đâu mà đến cũng như sau này sẽ đi về đâu ?
         Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đưa ra một định nghĩa thật dơn sơ mà sâu sắc: Con người là hình ảnh Thiên Chúa.
        Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh đã mô tả con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất và thổi sinh khí vào cho trở thành một sinh vật, và Thiên Chúa đã phán "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta" (St 1, 26). Như thế, con người là hình ảnh Thiên Chúa, là một bản vị có lý trí, ý chí và khả năng đặc biệt, nên con người là chóp đỉnh của tạo thành. Nơi con người có cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, nghĩa là con người duy nhất xác hồn. Tuy "là tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng đồng thời lại được linh động hóa bởi tinh thần là hồn thiêng, nên con người không thể nhầm lẫn khi nhận biết về mình. (x. MV 14)
         Thiên Chúa dựng nên con người có nam và có nữ (St 1, 27), nghĩa là có sự khác biệt về giới tính với những nét độc đáo riêng, nhưng đồng thời lại bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh Thiên Chúa.
         Phẩm giá cao quí này càng được bộc lộ rõ nét và trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Đấng đã làm người ở giữa chúng ta, tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu bày tỏ tất cả ý nghĩa của bản thân và cuộc sống con người.
         Là tiền hô của Đấng Cứu Thế, thánh Gioan có rất nhiều uy tín, nên được nhiều người tìm đến nghe ông rao giảng và xin chịu phép rửa, nhưng không vì thế khiến ông có ảo tưởng về mình hay có tham vọng mờ tối. Thánh Gioan đã sống đúng vai trò của mình là người dọn đường cho Đấng đến sau ông. Sống ơn gọi làm người là sống đúng phẩm giá con người, cũng như công việc mình làm. Nếu phép rửa của Gioan là phép rửa ăn năn sám hối, thì phép rửa của Đức Giêsu mới thực sự làm biến đổi con người trở thành tạo vật mới: Con Thiên Chúa. (x. Mc 1, 7-11)
          Vì là Con Thiên Chúa, nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật. Nhờ vậy, con người có khả năng nhận biết, yêu mến và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Chỉ có loài thú mới không biết tạ ơn Chúa và cảm ơn người.
          Người Kitô hữu được mời gọi trở nên ánh sáng thế gian (Mt 5,14), ánh sáng thì phải chiếu tỏa, soi lối cho đời sống chính mình và tha nhân. Để những ai đang khao khát tìm kiếm sự thật, biết chạy đến cùng Giêsu, nhờ Lời Chúa hướng dẫn họ sống đúng ơn gọi làm người và phẩm giá của mình..
         Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trân trọng những con người cụ thể con gặp trong cuộc sống dù họ là ai, trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay ốm đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Người.
(Theo sách GLCG - Năm 1996 của Tiểu Ban Giám Mục về Giáo Lý trực thuộc HĐGMVN)

Phanxico Xavie



Khi đạo đức ở Việt Nam xuống cấp   


Những ai có thính lực và hệ thần kinh bình thường đều phản xạ giật mình khi bất ngờ nghe tiếng động lớn, chẳng hạn tiếng sấm sét long trời, hay tiếng nổ đinh tai. Tuy nhiên, thường người ta chỉ giật mình trong vài lần đầu tiên, sau đó thì quen dần.

Chuyện xã hội cũng vậy, những vụ việc chấn động thoạt đầu gây sửng sốt, bàng hoàng, song khi được lập đi lập lại nhiều lần thì độ gây sốc của câu chuyện giảm dần, thay vào đó là sự vô cảm đáng sợ.

Có lần ghé thăm người thân ở trại giam Xuân Lộc - Đồng Nai. Khi nhìn hàng chữ to đùng viết trên bức tường phía trước trại giam :”Cứng làm cho mềm, cong uốn cho thẳng”, tôi bỗng rùng mình khi nghĩ đến những thủ đoạn mà quản giáo ở đây có thể áp dụng nhằm bắt phạm nhân phải khuất phục. Từ việc cho phép bạn tù đánh đập lẫn nhau ngất xỉu, đến việc chính quản giáo cũng tham gia đánh “hội đồng”, để dằn mặt hoặc cũng chỉ nhằm mục đích “moi” tiền gia đình phạm nhân.

Qua tìm hiểu, tôi được biết có một phạm nhân từng bị đối xử như vậy. Vì mới được chuyển đến trại, do sức khỏe còn yếu, lại chưa quen lao động chân tay, nên dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, phạm nhân này bị choáng và ngã lăn trên mặt ruộng. Lập tức bị các phạm nhân khác cùng đội (được sự cho phép của quản giáo) đấm đá túi bụi phạm nhân này đến ngất xỉu, sau đó còn bị chính viên quản giáo đá bồi thêm mấy cái vào ngực, vì cho rằng phạm nhân này giả vờ nằm ăn vạ để khỏi phải tiếp tục lao động.

Về sau, phạm nhân này đã phải cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình bằng cách (theo gợi ý của những phạm nhân đã ở lâu năm) cứ mỗi tháng đóng cho cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý đội 500.000VND để mong được yên thân. Quả là một cách kiếm tiền phi lợi nhuận và cũng thật phi nhân tính của các quản giáo trong nhà tù ở nơi đây.

Chuyện không chỉ xảy đối với các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù, ngay cả những phạm nhân còn đang trong qúa trình điều tra cũng thường xuyên bị các diều tra viên còng tay ra sau ghế, rồi đấm hoặc đá vào yết hầu trong khi điều tra.

Chính trong thời gian này gia đình rất khó gặp người thân của mình với lý do “đang trong quá trình điều tra, không được phép gặp”. Nhưng thực chất lúc này cuống họng và mặt phạm nhân đã bị xưng to bởi những trận đòn dã man của các điều tra viên. Nếu cho gia đình gặp mặt e sợ sẽ bị lộ ra ngoài kiểu tra tấn trên. Có phạm nhân cả tháng trời không ăn được, chỉ uống nước và sữa do gia đình gửi vào.

Và nạn nhân của tệ nạn đánh đập hoặc bị khủng bố bằng tinh thần, không chỉ là các phạm nhân, ngay cả các nhân chứng (chuyện chỉ xảy ra trong ngành tư pháp của Việt Nam ) cũng bị như vậy.

Chẳng hạn như vụ người trông coi rẫy của ông địa chủ đỏ Phạm Ngọc Thành ở Buôn Ma Thuột, khi người này đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi, để mặc bầy chó dữ cắn xé bà Phạm Thị Ngắn (một phụ nữ nghèo đói ở địa phương vào rẫy của ông Thành mót cà-phê) đến chết.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (một nạn nhân trong vụ này) cho biết, khi lấy lời khai của chị, điều tra viên của công an thành phố Buôn Ma Thuột cứ hỏi đi hỏi lại :” Cây keo (nơi chị Trâm đã trốn thoát bầy chó dữ ) chị trèo lên có mấy cành ? Cây dừa chỗ anh Sơn (Nguyễn Đình Sơn, nhân viên trang trại, người bị nhân chứng tố giác đã chứng kiến cảnh chó bẹc-giê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn nhưng bỏ đi) đứng có mấy quả?

Ai chứng kiến cảnh bầy chó dữ xâu xé một con người cho đến chết mà còn đủ bình tĩnh và lạnh lùng như tên Sơn, để có thể đếm từng cành cây keo hoặc từng trái dừa ? Vậy mà nhân viên điều tra lại có thể hỏi một câu thật bất nhẫn !

Mặc dù chị Trâm đã bày tỏ bức xúc :”Lúc đó nếu có ai hỏi cha mẹ tôi tên gì, chưa chắc tôi đã nhớ nổi, nói gì đến cây keo có mấy cành, cây dừa có mấy quả ! Chúng tôi đâu phải tội phạm mà công an cứ hỏi hoài như thế ai mà không sợ.” Thế nhưng ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, vẫn chưa chịu buông tha những nhân chứng này, nên khẳng định :”Sắp tới Viện kiểm sát sẽ tiếp tục gọi chị Điệp và chị Trâm lên làm việc để lấy lại lời khai” ? Xem ra các nhân chứng này sẽ còn tiếp tục bị khủng bố tinh thần.

Đến đây có lẽ chúng ta cũng phần nào hiểu được “nghiệp vụ” điều tra của ngành tư pháp Việt Nam đã và vẫn thường làm với những vụ án tương tự khi mà đối tượng bị tố giác phạm tội có liên quan đến một người giàu có hoặc là thân nhân của một viên chức chính quyền.

Quen dần với những tiếng động khó chịu giúp người ta thích nghi với thế giới tự nhiên. Song không còn giật mình trước cái ác trong xã hội cũng có nghĩa là tiếp tay cho cái ác hơn xuất hiện.

Điều này đang được khẳng định, khi ngày càng có nhiều học sinh cả nam lẫn nữ đánh bạn, thậm chí đâm chết bạn của mình một cách dã man, ngay trong trường học hoặc ngoài đường phố chỉ vì những cái cớ hết sức vô duyên vì liếc nhìn hay vô tình nói đụng chạm đến mình. Chính báo chí trong nước cũng phải thừa nhận là đạo đức học sinh ở Việt Nam hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Vậy thì nguyên nhân do đâu ? Chẳng phải là các em đang được hưởng một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa tối ưu đó sao?

Nỗi đau này và còn biết bao những nỗi đau khác đang gậm nhấm thân thể vốn gầy gò vì nghèo đói của đại bộ phận người dân phải sống khắc khoải từng ngày dưới chế độ cầm quyền ở Việt Nam hiện nay.

Báo chí trong nước vẫn thường rêu rao về những biến đổi tích cực trong đời sống của người dân những năm gần đây, nhưng nhìn lại 30 cầm quyền ở miền Bắc và hơn 60 năm ở cả hai miền, những biến đổi ấy là gì ? Bởi thực chất có biến đổi chăng, là từ một người vô sản, những đảng viên cộng sản bây giờ đã trở thành những ông chủ mới, những tên tư bản đỏ. Còn đời sống người dân hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và có phần tàn lụi đi. Do đó, điều mà người dân vẫn mong đợi từ lâu, không chỉ là "cơm áo gạo tiền", mà chính là sự thay đổi cả hệ thống chế độ độc tài là mầm mống của những cái ác đang xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng xã hội Việt Nam ngày nay.

Phanxico Xavie




KHI ĐẠO ĐỨC Ở VIỆT NAM BỊ XUỐNG CẤP (tt)   


Câu nói trên môi miệng của nhà cầm quyền csvn từ lâu vẫn rêu rao là “dảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” như muốn nhắc nhở người dân rằng : "đảng (cộng sản) lãnh đạo, nhà nước (cộng sản) quản lý, nhân dân làm chủ (bù nhìn)" - Nghĩa là chính quyền (của những người cộng sản) chứ không phải là chính quyền (của người dân, do dân và vì dân) ! Bởi vì có người dân nào bầu các ông Nông Đức Mạnh (nay là ông Nguyễn Phú Trọng), ông Nguyễn Minh Triết (nay là ông Trương Tấn Sang), hay ông Nguyễn Tấn Dũng … nhưng các ông vẫn cứ là "lãnh đạo và quản lý" những người dân Việt Nam cùng khổ hiện nay ? Thử hỏi trong Quốc hội hiện nay, có bao nhiêu đại biểu thuộc các đảng phái khác ? Hay toàn bộ là đảng viên cộng sản, các ông biết rõ mười mươi. Vậy mà vẫn bày trò bầu cử rình rang, mặc dù biết chắc mình cũng sẽ nắm quyền. Thế chẳng phải người dân Việt Nam là bù nhìn đó sao ? Vì mải lo làm giàu (bất chính) bằng cách bớt xén đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân đã đóng thuế hoặc tranh dành nhau vơ vét tiền vay mượn của nước ngoài, còn nợ nần thì trút lên đầu lên cổ người dân. Bỏ mặc đạo đức xã hội suy đồi theo nhiều hướng khác nhau, dẫn đến tội ác xuất hiện ngày càng nhiều là vậy.
Sau những vụ như bầy chó dữ của ông địa chủ Phạm Ngọc Thành ở Buôn Mê Thuột cắn chết người, đến vụ cháu Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau bị chủ hành hạ dã man. Thì mới đây một thi thể phụ nữ đã mất đầu, không một mảnh vải che thân đang bị phân hủy, được phát hiện tại tầng thượng chung cư G4 (Trung Yên 1, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Công an TP Hà Nội đã xác định nạn nhân là Ngô Phương Linh, SN 1984, đăng ký hộ khẩu thường trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Thủ phạm không ai khác hơn chính là người tình của cô, tên là Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, quê huyện Kiến An - TP Hải Phòng).

Theo lời khai của Nghĩa tại cơ quan điều tra, Nghĩa và Linh có quan hệ tình dục. Sau đó, thấy Linh ngồi nhắn tin liên tục, Nghĩa hỏi thì Linh nói đó là tin nhắn của người yêu đang ở miền Nam. Nghĩa liền nổi cơn ghen và trong đầu xuất hiện ý định sát hại Linh. Thừa lúc Linh đang đứng soi gương, Nghĩa lấy một con dao nhọn đâm thẳng vào lưng Linh.

Thấy bạn gái gục tại chỗ và máu ra nhiều, Nghĩa phi tang dấu vết bằng cách cắt bỏ đầu và 10 đầu ngón tay của Linh cho vào túi ni lông rồi đưa phần thân của nạn nhân lên vứt ở phòng xả rác trên tầng thượng. Nghĩa quay về lau chùi vết máu và lấy bao gói đầu của Linh. Sau đó đi thẳng về Quảng Ninh, vứt đầu Linh xuống sông Cấm, cách Hà Nội gần 200 km. Đến ngày 17-5, sau khi xác Linh được phát hiện, Nghĩa đã quay lại nơi gây án. lấy đồ đạc và bỏ trốn.

Chỉ đến khi tóm gọn được thủ phạm, và qua điều tra nhiều người ngạc nhiên khi câu chuyện tình cảm của Nghĩa với nạn nhân hết sức phức tạp và liên quan đến nhân vật thứ ba là chủ căn hộ nơi xảy ra án mạng. Chỉ vì quan hệ tình cảm lăng nhăng (tay ba) và ghen tuông vô cớ mà người ta có thể sát hại lẫn nhau một cách dã man như vậy.

Tất cả nguyên nhân là do đâu, ít ai bận tâm tìm hiểu, đợi xảy ra chuyện rồi chính quyền mới ra tay giải quyết. Gốc không trị chỉ quen trị ngọn. Đó cũng là cung cách làm việc của bộ máy chính quyền cộng sản ở Việt Nam (đảng cùng làm giàu !) hơn là chú trọng đến việc xây dựng con người.
        Rồi cũng đến ngày thế mạt, csvn sẽ phải trả lời với con cháu và lịch sử : là tại sao nhiều người dân còn đang phải sống khắc khổ, đói rách, lang thang...bao tử ngày càng teo. Ngược lại, các quan chức chính quyền (tất nhiên là những đảng viên cộng sản) bụng càng phình to vì giàu sụ - và đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, tội ác sau man rợ hơn tội ác trước đang xảy ra từng ngày dưới chế độ cầm quyền ở Việt Nam hiện nay ?

 Phanxico Xavie



      Trình độ văn hóa 'Made in Việt Nam       


Ở Việt Nam người ta đang tìm mọi cách để nâng cao "trình độ văn hóa" người dân nên bắt trẻ học rất nhiều mà không hề quan tâm đến vấn đề : văn hóa ứng xử. Trong khi ông bà xưa từng nói : Tiên học lễ, hậu học văn, thì các "nhà cải cách giáo dục" cộng sản Việt Nam dạy những điều ngược lại. "Đi học về, thay vì chào ông bà, trẻ đã khoe ngay hôm nay cháu được điểm 10, còn ông bà thấy thế vui quá mà quên bảo các cháu phải chào... Rồi lâu dần, điều này thành thói quen, các cháu chẳng thèm chào hỏi ai bao giờ chỉ dương dương tự đắc khoe về bản thân". (Phi Thiên Vũ - VnExpress} Thêm vào đó, các cháu đi học vì chịu áp lực của bố mẹ, đến trường thì chịu áp lực về thành tích của thầy cô giáo, về nhà chịu áp lực với hàng xóm nếu cháu không giỏi bố mẹ ngượng, hàng xóm chê cười. Từ đó, trẻ sinh ra trầm cảm và cách cư xử cũng bắt đầu thay đổi trở thành chủ nghĩa cá nhân, chơi với bạn xấu vì thấy ở đó được tự do, thích làm gì thì làm...

Ai cũng biết : văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử. Vậy văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay phải chăng do những người cộng sản "sáng tạo ra" nên ngày càng có nhiều người không còn biết tôn trọng người khác : Tiếp viên xe buýt chửi sinh viên vì sử dụng vé tháng, phụ xe buýt quát khách như bố mắng con, hạy thậm chí có người còn chứng kiến cảnh tài xế xe buýt nhẩy xuống xe, xách gậy rượt đánh một người dân tại ngã ba đường Nguyễn Kiệm P.3 Gò Vấp chỉ vì người này suýt bị ngã (!!) khi xuống xe đã cằn nhằn phụ xe.v..v...

Thiếu y đức dường như cũng đang phổ biến ở Việt Nam, trong bài "Thai nhi tử vong vì mẹ phải chờ phẫu thuật" đăng trên mục Đời sống của VnExpress, tác giả Thiên Chương cho biết : Chỉ định mổ do bệnh lý nhau tiền đạo gây xuất huyết lúc 23h ngày 6/4, song mãi đến 6h sáng hôm sau, sản phụ Lã Thị Mai, 39 tuổi (Đồng Nai), mới được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) "sờ" đến. Hậu quả là cả mẹ và thai nhi đều tử vong.

Như Báo NLĐ đã phản ánh, ngày 6-4, chị Lã Thị Mai, mang thai 36 tuần rưỡi, được chuyển từ BV Đồng Nai đến BV Từ Dũ – TPHCM trong tình trạng nhau tiền đạo trung tâm ra huyết. Chị Mai được chỉ định mổ và đã ký giấy mổ lúc 23 giờ cùng ngày để bắt con. Song, chị đã bị bỏ mặc đến tận sáng hôm sau, khi người đã sốc, tím, huyết áp thấp và thai nhi đã tử vong trong bụng, các bác sĩ BV Từ Dũ mới tiến hành phẫu thuật cắt tử cung, cầm máu với hy vọng cứu sản phụ này. Chị Mai bị xuất huyết nặng và hôn mê sâu. Đến ngày 9-4, BV Từ Dũ chuyển chị Mai sang hồi sức tại BV Chợ Rẫy và đã tử vong tại đây vài ngày sau. (Hai cái chết một nguyên nhân - Báo NLĐ)
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thừa nhận, bác sĩ trực ca - người phụ trách thăm khám cho sản phụ Mai đã chủ quan.

Bác sĩ Thanh cho biết, chị Mai nhập viện lúc 16h40 ngày 6/4. 17h, sản phụ này được chuyển đến khoa sản bệnh lý để đặt máy theo dõi vì kết quả siêu âm cho thấy tình trạng "nhau tiền đạo". Đến 23h, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết âm đạo và tăng cơn co. Bác sĩ trực đã khám và chỉ định mổ.

"Chỉ định của bác sĩ là hoàn toàn chính xác, nhưng vì lý do nào đó, có thể do chủ quan, không tiên lượng sự việc nên thay vì mổ ngay, bác sĩ này lại đi giải quyết sự vụ ở phòng sinh", ông Thanh nói.
Trả lời câu hỏi "có hay không việc bác sĩ trực đã tập trung vào các ca mổ dịch vụ khác đến nỗi quên luôn chị Mai", ông Thanh thừa nhận, bác sĩ trực có tham gia mổ dịch vụ nhưng trước thời điểm mà bác sĩ này chỉ định mổ cho chị Mai.

Hai cái chết của mẹ con chị Mai có thể do nhiều nguyên nhân, song dư luận cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đau lòng này chính là sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một số bác sĩ ở BV Từ Dũ.

Hoặc gần đây nhất là chuyện về cái chết tức tưởi của một thiếu nữ 17 tuổi vừa xảy ra ở Cà Mau. Báo Người Lao Động số ra ngày 30-06-2011 cho biết : 

Theo điều tra bước đầu của Công an huyện Năm Căn, vào khoảng 22 giờ ngày 27-6, Lê Quốc Lơ (ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) tổ chức nhậu cùng nhóm bạn gồm: Nguyễn Thái Hiệp, Nguyễn Thị Cẩm Lụa, Nguyễn Hồng Gấm, Nguyễn Chí Linh và Thắm tại Sân bay Năm Căn.

Sau đó, Lơ điện thoại rủ Dương Thị Thu Huyền, nhà gần đó ra chơi.

Đến khoảng 23 giờ, Lơ rủ cả nhóm đi hát karaoke.

Vào phòng karaoke khoảng 10 phút thì Huyền đòi về.

Lơ mượn xe của Thắm chở Huyền nhưng đến sân bay thì Lơ đòi quan hệ tình dục.

Mặc cho Huyền cự tuyệt, Lơ vẫn cố tình chở Huyền thẳng xuống cuối đường băng sân bay.

Sợ hãi, Huyền nhảy xuống khi xe đang chạy nên té bị thương. Lơ chẳng chịu buông tha mà dìu Huyền vào đám cỏ bên lề đường để sàm sỡ.

Khoảng 0 giờ, nhóm bạn hát xong đi tìm gặp Lơ và Huyền nằm trên đám cỏ cạnh đường băng sân bay.

Thấy Huyền không còn tỉnh táo nên cả nhóm đưa Huyền về nhà nhưng Huyền không chịu vào nhà mà đòi ngồi nghỉ mệt.

Khoảng 3 giờ ngày 28-6, người dân gần đó phát hiện Huyền nằm bất tỉnh cách nhà khoảng 20m. Sau đó, Huyền được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Năm Căn trong tình trạng hôn mê.

Bà Nguyễn Hoàng Anh, người trực tiếp đưa Huyền vào bệnh viện, cho biết, Huyền được bà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Năm Căn lúc 9 giờ ngày 28-6 trong tình trạng hôn mê, sau lưng và mông nhiều chỗ bị tróc hết da nhưng đầu không chảy máu nên không biết Huyền bị chấn thương đầu.

Khi thấy Huyền có biểu hiện co giật, bà đã yêu cầu bác sĩ cho chuyển tuyến trên nhưng bị từ chối.

“Bác sĩ Tú nói do Huyền xấu hổ nên mới có biểu hiện như vậy. Nếu không tin người nhà cứ đi về hết là Huyền sẽ ngồi dậy đi theo liền cho mà coi. Thấy sức khỏe của Huyền ngày càng xấu đi, tôi cương quyết đòi chuyển viện nhưng bác sĩ Tú vẫn không cho, bà ngoại của Huyền còn quỳ xuống lạy ông ấy nữa. Nhưng bác sĩ Tú vẫn khăng khăng nếu Huyền chết ông sẽ chịu trách nhiệm” - bà Hoàng Anh gạt nước mắt kể lại.

Bệnh viện chẩn đoán Huyền bị đa chấn thương phần mềm ở mặt, lưng và tay; kiểm tra âm đạo thấy bình thường, màng trinh không bị rách.

Huyền được nhập viện để theo dõi, đến 4 giờ 30 phút ngày 29-6 thì tử vong.

Qua khám nghiệm tử thi, xác định nguyên nhân cái chết của Huyền là do chấn thương sọ não kín.

Theo ông Huỳnh Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Huyền là do kíp trực khám và chẩn đoán còn hạn chế ( hay do tắc trách, chủ quan? ). Hiện kíp trực ngày xảy ra vụ việc đã bị đình chỉ công tác để làm rõ vụ việc.
Trình độ là mức độ, khả năng hiểu biết cao hay thấp, nông hay sâu về người, sự việc...vậy ta có thể hiểu cách nhận thức vấn đề của một viên chức chính quyền cộng sản, là phó chủ tịch quận ở cấp độ nào, khi trả lời về trường hợp vỉa hè thành phố bị lật tung để làm lại mặc dù còn rất tốt, ông ta nói : UBND quận không biết việc bê tông hóa vỉa hè sẽ làm ảnh hưởng đến thoát nước và bổ cập lượng nước ngầm, đồng thời cũng không nghe nhà khoa học nào nói về vấn đề này ! ! Trong khi một bạn đoc cho biết trước đó : các nhà khoa học cảnh báo nhiều lần nhưng chẳng ai nghe. Đến khi báo chí lên tiếng, thường trực thành phố mới triệu tập họp để xem xét ! Ông "phó Chủ tịch" nói thêm : Việc làm lại vỉa hè được tiến hành theo quy trình và mẫu thiết kế do sở GTVT ban hành. Cứ cho là họ không biết việc bê tông hóa sẽ làm chậm đi qua trình thẩm thấu, nhưng chẳng lẽ họ không biết việc đập bỏ vỉa hè còn tốt để làm lại là lãng phí tiền bạc của người dân ?
Thế mới biết, đã có không ít kẻ mang "trình độ văn hóa" Việt Nam mà bị bắt bớ tù đày ở nước ngoài như trường hợp nhân viên sứ quán Việt Nam ở một nước châu phi nọ hay anh phi công Việt Nam bị chính phủ Nhật bắt giữ tại phi trường chỉ vì tội buôn lậu v.v... Đó là cách làm việc cũng như lối sống và suy nghĩ của những người được nhà nước cộng sản Việt Nam công nhận về "trình độ văn hóa". Nên việc cầm hộ chiếu Việt Nam ra nước ngoài bị soi mói, dò xét và cảm thấy nhục cũng là chuyện đương nhiên.

Phanxico Xavie


THƯƠNG THAY CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI.


Hơn 40 năm trước, với mức lương 30.000đ (VNCH)/tháng. Không những đủ chi tiêu cho cả gia đình năm miệng ăn. Mà còn dành dụm để xây được một căn nhà cấp bốn với gác lửng vào năm 1970. Và tôi còn nhớ những năm cuối thâp niên 60, đầu thập niên 70 tôi cũng từng có những giây phút hạnh phúc, vui mừng trong cái ngày bố tôi mua về chiếc Honda Dame màu đỏ tưoi, bằng chính đồng lương công nhân của ông, với giá 32000đ (VNCH).

Thế rồi, kể từ sau cái ngày 30/04/1975, ngày mà những người cộng sản gọi là "chiến thắng lịch sử" cũng là ngày gia đình tôi,  và bao gia đình sống ở miền nam lúc đó bước vào cuộc sống tối tăm vô vọng. Toàn bộ tài sản dành dụm dược trong những ngày làm công, bố tôi gửi ở một ngân hàng tư nhân đã tan theo mây khói. Chúng tôi phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Cho đến nay, nhìn lại đất nước sau hơn 40 năm sống dưới “thiên đường XHCN”. Một người đi làm công nhân, không đủ nuôi thân,  nói chi đến giúp đỡ gia đình hay nuôi vợ con.

Đã hơn 40 năm trôi qua, với biết bao vật đổi sao dời, đời sống người dân các nước lân bang tiến lên vượt bậc. Nhưng riêng gia đình tôi và biết bao nhiêu những gia đình khác vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Căn nhà ọp ẹp được xây từ năm 1970 đến nay xuống cấp trầm trọng, vẫn không có tiền để sửa chữa lại. Mặc dù chúng tôi đã cố xoay sở kiếm sống với nhiều nghề khác nhau. Từ lúc chia tay nghề giáo viên giữa cái thời bao cấp đầy khó khăn. Thời mà đồng lương được tính bằng những mặt hàng nhu yếu phẩm và gạo cộng lại. Về nhà, cùng với gia đình, chúng tôi quay trở lại với nghề bánh tráng. Còn tôi bước ra ngoài xã hội kiếm sống, bằng nghề chở bột mì mướn cho các lò bánh nhỏ. Với chiếc xe đạp cọc cạch, mỗi chuyến hàng, tôi chở được ba bao bột (25kg một bao). Đi từ Biên Hòa về đến Sài Gòn thì được trả công 125 đồng/chuyến. Sau khi trừ tiền "lộ phí" dọc đường, tôi cũng còn được105đ. Không biết bằng cách nào, dù bột mì lúc đó dù rất nhiều, nhưng nó lại là hàng độc quyền của những lò bánh hợp tác xã, nên đối với những lò bánh cá thể nó bỗng trở thành hàng quốc cấm. Và chúng tôi cũng thành những kẻ chở hàng lậu.

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80. Bột mì ở nước ngoài, thông qua Tổ chức Caritas, viện trợ giúp người dân trong nước sau thời kỳ chiến tranh. Nhưng nó đã không được phân phối trực tiếp và miễn phí cho người dân, mà thông qua trung gian là những lò bánh hợp tác xã chế biến thành bánh mì và đem bán lại cho dân những ổ bánh mì đã bị cắt giảm chất lượng,  mới để từ sáng đến trưa đã cứng như khúc củi khô. Nếu không ăn thì đói, vì lúc đó, dù có tiền cũng chỉ được mua đủ số lượng theo tiêu chuẩn đầu người trong hộ khẩu. hay trong sổ xã viên. Chế độ cộng sản cố gò ép chúng tôi đi vào cái họ gọi là "hợp tác xã" nơi phân phát như bố thí, cho bao nhiêu, được hưởng bấy nhiêu. Muốn mua cây kim, ống chỉ, cũng phải có sổ "xã viên".

Với hơn 40 năm ấy, lẽ ra đời sống người dân Việt Nam phải được nâng lên đáng kể. Thậm chí mức sống có thể còn cao hơn những quốc gia trong khu vực như Miến Điện hay Thái Lan, Singapore ngày nay. Họ cũng chỉ thực sự mới phát triển khoảng hơn 30 năm trở lại đây. Nhưng điều nghịch lý đã xảy ra trên đất nước Việt Nam, nơi những người cộng sản tự ca ngợi là thiên đường XHCN,  đời sống người dân ngày càng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Nhiều khi vì cuộc sống, họ quên cả những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên những chuyến hàng cồng kềnh, vượt quá giới hạn cho phép vận chuyển của một chiếc xe gắn máy. Khó khăn không chỉ về mặt kinh tế. Mà cả về đời sống tinh thần : quyền tự do căn bản cũng không có. Đã có thời muốn đi đâu, ở đâu thì phải xin phép. Muốn tổ chức đám cưới hay đám ma cũng phải xin phép. Nghĩa là, tất cả đều phải thông qua thủ tục "xin cho". Nhận thức của người dân thì lạc hậu so với thế giới bên ngoài. Ngay cả hiện nay, thời kỳ bùng nổ của thông tin hiện đại mà nhiều người, nhiều gia đình vẫn không thể tiếp cận với máy vi tính, hay với mạng internet.

Một đất nước mà những ngưòi tài trí, thực sự có tâm huyết với dân tộc. Bị vu khống, mạ lỵ làm mất danh dự, vì dám nói lên sự thật. Nơi mà Công Lý và Sự Thật bị cầm tù. Và người ta chỉ lo củng cố thế lực của bè phái, lo vơ vét của dân tất cả những thứ có thể từ cái bảng hiệu, cái bàn, cái ghế… với lý do “lấn chiếm vỉa hè” rồi đem bán. Đến đất đai, ruộng vườn, thậm chí cả nhà người ta đang ở cũng bị họ cướp sạch với lý do “quy hoạch”. Đang khi đó họ bỏ mặc nền kinh tế tự phát trôi nổi. Dân tình lận đận vì giá cả lên xuống thất thường. Hỏi sao Việt Nam không ngày càng tụt hậu về mọi mặt.

Buồn thương cho kiếp tơ tằm,
Lại thương đến kiếp con người lầm than.
Bởi đâu phải sống cơ hàn,
Mấy mươi năm ấy với đàn sói hoang.
Sống theo bầy lũ ngang tàng,
Rủ nhau ăn cướp của làng, của dân
Lại còn cái miệng tham ăn,
Oang oang tranh lấy là phần của quan.
Chỉ thương cái kiếp thanh bần,
Càng thêm khốn khó là quần chúng đây.
Thưong thay cũng một kiếp này,
Làm dân một nước có bầy tham quan.
Lãnh đạo có đảng "vinh quang",
Dân lành đói rách lang thang kiếp người.

Phanxico Xavie



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét