9 tháng 11, 2010

Suy niệm : HÃY ĐỨNG VỮNG


             Cả ngàn năm lịch sử qua, nhân loại luôn sống trong tình trạng bất ổn : chiến tranh triền miên, đói kém, bão lụt, động đất, mất mùa, cả những cuộc bách hại việc rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới, các ngôn sứ giả v.v… đã và đang thường xuyên xảy ra, nhưng ngày “ấy” hãy còn xa mù mịt. Bởi vì như Chúa Giêsu đã chia sẻ :”ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời, hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.”(Mc 13, 32). Vậy mà không biết bao nhiêu các giáo phái đã tiên báo về ngày tận thế… ngày tháng họ tiên báo đã qua đi nhưng thế giới vẫn còn đó. Thế giới ở đây không phải là vũ trụ (đối tượng của khoa học), mà là thế giới loài người, đối tượng của chương trình cứu độ. Các trình thuật Thánh Kinh trong phụng vụ Chúa nhật XXXIII TN-C đều liên hệ đến viễn tượng về ngày cánh chung của con người và thế giới như vậy.
            Chúng ta thường quan niệm tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Đó cũng là ngày Đức Giêsu trở lại để mở cuộc chung thẩm, chấm dứt cuộc sống trần gian và mở ra đời sống vĩnh cửu. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước nhất là các sách tiên tri thường nói đến. Khi nghe những sách này nói đến ngày của Thiên Chúa, chúng ta phải đặt mình vào trong tâm lý của người Do Thái để tìm hiểu.
            Vào khoảng năm 450 trước Chúa Giêsu giáng sinh và là khoảng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Những người này đang gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Đền thờ thì đổ nát, đất đai thì bị dân ngoại lấn chiếm. Độc lập dân tộc đâu chưa thấy. Nay Ai Cập xâm chiếm, mai Hy Lạp đô hộ. Chẳng thấy thời đại Thiên Sai đâu cả. Có lẽ vì vậy mà ngay đến hàng tư tế cũng chán nản, không còn trung thành với sứ mạng phục vụ Lời Chúa và Bàn thờ nữa. Tín hữu thì thì lơ là việc kinh kệ và lễ lạc. Rồi đời sống xã hội cũng sa sút theo : gian thương bóc lột, phóng túng ngoại tình, chẳng còn đâu phân biệt được là dân của Chúa. Như vậy có phải Người đã không trung thành giữ lời đã hứa, để cho thế giới và xã hội này nằm trong tay sự dữ? Nhiều người, ngay cả những người đạo đức nhất, cũng đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Chúa sẽ trả lời ra sao?
              Người sai Malaki và các ngôn sứ đến. Họ nói Lời của Chúa. Và bài sách Malaki 3, 19-20a ghi lại những tư tưởng chính yếu nhất. Trước hết ngày của Thiên Chúa sẽ đến. Mọi sự không như thế này mãi. Thiên Chúa không bỏ dân Ngài. Sự dữ không thể thống trị lâu hơn. Rồi ngày ấy sẽ phừng phừng cháy như một hỏa lò, tiêu diệt kẻ dữ, “không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào”, và “mặt trời công chính sẽ mọc lên” soi chiếu dân Người. Như vậy, những lời sách Malaki không trực tiếp nói về ngày thế mạt, chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Đó là lời tiên tri về ngày Thiên Chúa viếng thăm cứu chuộc dân Người sau thời gian dài thử thách nặng nề. Và ngày của Thiên Chúa , cuối cùng vẫn được hướng đến ngày Đức Giêsu Kitô trở lại phán xét kẻ lành người dữ, nhưng một cách gián tiếp và xa xôi. Chúng ta cùng nghe Đức Giêsu nói về thời thế mạt vào những ngày cuối đời sống trần gian của Ngài.
             Nhân có mấy người nói về Đền thờ lộng lẫy nguy nga, với những phiến đá đẹp, Đức Giêsu đã nhìn xa hơn hiện tại, Người bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Các môn đệ hỏi Chúa bao giờ điều ấy xảy ra? Người đựa vào câu hỏi này để nói đến biến cố vĩ đại hơn, mà việc Giêrusalem sụp đổ chỉ là hình bóng. Do đó, việc tiên báo về số phận đền thờ là lời mở đầu báo trước thời cánh chung, để thức tỉnh người ta sám hối.
            Đức Giêsu nói các môn đệ đừng sợ vì những biến cố lịch sử hay thảm họa thiên nhiên. Chưa phải là ngày Chúa quang lâm, có điều chắc chắn là khi còn ở xa và rất xa ngày tận cùng, các môn đệ sẽ bị bách hại trước khi các biến động thiên nhiên xảy ra. Trước hết người Do Thái nói chung, và các nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ nói riêng, không ưa gì Đức Giêsu vì Người đã phá vỡ những thói đạo đức giả, thói giữ đạo hình thức, câu nệ lề luật, đụng chạm đến quyền lợi của họ. Họ tìm cách bắt Chúa nhiều lần nhưng không được, nên tiếp tục gài bẫy Người vào dịp Lễ Vượt Qua sắp tới. Lý do thứ hai của cuộc bắt bớ, ngược đãi là vì người nhà trở nên thù nghịch với các môn đệ. Kẻ bách hại không còn phải là người ngoài, mà là những người trong nhà. Đức Giêsu bị chính môn đệ thân tín bán nộp cho Thượng Hội đồng. Người khuyến cáo các môn đệ cũng đừng lo nghĩ phải trả lời trước tòa, vì chính Chúa sẽ giúp họ. Cứ tin tưởng kiên trì sẽ chiếm được sự sống đời đời. Ơn Chúa sẽ không thiếu cho những ai kiên trì và Người bảo đảm sự sống lại cho họ.
           Những tín hữu ở Thessalonica tưởng rằng sắp đến ngày Đức Giêsu trở lại. Họ còn được nhiều kẻ tự xưng là tiên tri đến dẫn chứng thêm. Thế là nhiều người của giáo đoàn này bỏ mọi việc bổn phận thường ngày và nhất là việc làm ăn sinh sống để chỉ lo việc phần hồn và việc đạo. Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng đưa tới sự xáo trộn đời sống xã hội. Nhiều kẻ không lao động sản xuất nữa và sống bám vào người khác… nếu chưa phải là đã có những hành động bất chính. Thánh Phaolô khuyên bảo các tín hữu phải tránh những con người ấy và đừng sống như họ, nhưng hãy bắt chước ngài tiếp tục lao động để nuôi thân, đừng ăn bám người khác.
            Những lời của Đức Giêsu trên đây nhắc cho chúng ta nhớ rằng, sự bắt bớ vẫn xảy ra và dưới nhiều hình thức. Ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, có những Kitô hữu bị đuổi ra khỏi nhà, bị mất việc và đôi khi mất cả mạng sống. Người ta tìm cách loại bỏ Kitô giáo, vì Kitô giáo tôn trọng sự thật, bênh vực người nghèo và nhất là tin vào Thiên Chúa duy nhất quyền năng. Đời sống của Kitô hữu là bản cáo trạng cho xã hội đương thời. Hơn nữa, những cuộc bách hại cho thấy thường liên quan đến quyền lợi riêng tư ích kỷ của nhà cầm quyền hơn là vì lợi ích dân tộc. Nhưng các Kitô hữu luôn tin tưởng cậy trông nơi sức mạnh Thiên Chúa. Người sẽ nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi trở ngại, giúp ta chịu đựng đau khổ trong cơn bách hại. Không có cuộc bách hại nào bất tận. Chỉ hạnh phúc Chúa dành cho những ai chiến thắng trong cơn bách hại thì muôn đời. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay vẫn là : hãy đứng vững, Thiên Chúa yêu thương và sẽ không bỏ rơi một ai đã tín thác nơi Ngài.

Phanxicô Xaviê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét