20 tháng 9, 2011

Sự hối cải nội tâm

            Con người được Thiên Chúa tạo dựng và trao cho quyền tự do, vì thế phải có trách nhiệm vê những hành vi của mình. Sẽ phải chịu số phận đau khổ nếu làm điều xấu, ngược lại nếu biết làm điều tốt, biết thực tâm đứng lên từ bỏ điều sai trái thì sẽ được hạnh phúc.
Chương 21 Matthêu, bắt đầu bằng việc Đức Giêsu lên Giêrusalem, ở đây Người được đón tiếp như một vị anh hùng. Một số người tung hô Đức Giêsu là “Con vua David”, tức là Đấng Messia được trông đợi từ lâu. Rồi Người gây xáo trộn trong Đền Thờ khi Người lật bàn của những người đổi tiền, đổ tung tiền ra và xua đuổi những người đang mua bán. Vì vậy mà các thượng tế và kỳ mục muốn biết Đức Giêsu lấy quyền nào mà làm điều ấy. Người đã đặt ra một câu hỏi hóc búa làm cho họ phải lúng túng : Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ? Và để nhấn mạnh quan điểm của mình, Đức Giêsu kể cho các nhà lãnh đạo tôn giáo này nghe dụ ngôn về hai người con. Người cha bảo người con trai thứ nhất đi làm vườn nho. Anh ta từ chối nhưng sau đó hối hận nên lại đi. Người con trai kia lúc đầu thì đồng ý, nhưng việc làm không đi đôi với lời nói, anh ta không đi đến cùng. Các nhà lãnh đạo tôn giáo được đưa tới kết luận là người con thứ nhất đã thực sự thi hành ý muốn của cha anh.
            Đức Giêsu cho họ biết thêm rằng những cô gái điếm và những người thu thuế chính là người con thứ nhất. Ban đầu họ không chịu nghe lời Thiên Chúa kêu gọi họ phục vụ Chúa, nhưng sau họ đổi ý, chấp nhận sứ điệp của ông Gioan cũng như giáo huấn của Đức Giêsu. Họ hối hận và bắt đầu sống theo đường lối của Thiên Chúa.
            Còn các nhà lãnh đạo tôn giáo thật sự cư xử như người con thứ hai. Họ giữ vẻ ngoài là đạo đức, nhưng trong lòng không thí hành thánh ý Thiên Chúa. Họ không chấp nhận các sứ giả của Người, chối bỏ ông Gioan và bây giờ chối bỏ cả Đấng Messia của mình. Dụ ngôn này cho chúng ta cơ hội nhìn lại mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nếu lúc đầu chúng ta đã thưa “vâng” với Chúa, chúng ta có còn tiếp tục vâng nghe thánh ý Người trong cuộc sống hiện tại không ? Cũng từ dụ ngôn này, chúng ta học được gì vê thái độ của chúng ta đối với người khác ?
            Thông thường, hai chữ “xuống đường” gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trên đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta “xuống đường” là để gặp gỡ, cảm thông với người khác… nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị xã hội ruồng bỏ cách này hay cách khác. Đó là trường hợp “xuống đường” của một số giáo dân thuộc giáo xứ Saint Leu Gilles, quận 16 của thủ đô Paris nước Pháp. Họ tụ họp lại thành lập một hiệp hội có tên là “Giải phóng kẻ bị giam cầm”. Thực ra đây không phải là một chương trình xã hội lớn qui tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ những tín hữu muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, tró chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của cuộc gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với họ, những người ai cũng ghét bỏ.
            Việc làm của những người xuống đường trên đây, không hẳn là thuyết phục được những người lầm đường lạc lối ăn năn hối cải và quay trở về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng : Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thương tất cả mọi người. Để bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.
            Nếu có một sự hối cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hối cải trong thái độ sống cũng như cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói : Các cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi. Bởi vì, như người con thứ nhất trong dụ ngôn, họ biết hối cải và sống theo đường lối Thiên Chúa.
            Lời kêu gọi nên một trong khiêm nhường và yêu thương của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê, muốn mang lại giá trị hiệp nhất huynh đệ cho các thành viên trong cộng đoàn này. Cộng đoàn sẽ trở nên sống động, phát triển, an vui nếu như các thành viên biết sống vì nhau, biết đặt trọng tâm cuộc sống của mình trong tình bác ái, tính khiêm nhu và sự cảm thông lẫn nhau, chính khi ấy mỗi người là quà tặng, là hồng ân cho nhau.

Phanxicô Xaviê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét