28 tháng 9, 2011

Vườn Nho Tình Yêu

       
           Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của Kinh Thánh. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để khắc họa nên hình ảnh về mầu nhiệm Nước Trời, về chính mầu nhiệm Giáo Hội do Người thiết lập. Hình ảnh Israel, dân Thiên Chúa, là một vườn nho rất quen thuộc với người nghe Đức Giêsu. Những điểm song hành với bài Cựu Ước trích từ sách Is 5, 1-7 cho thấy. Thiên Chúa quan tâm chăm sóc vườn nho và trông mong nó sinh trái tốt, nhưng nó chỉ sinh toàn nho chua. Isaia là một trong nhiều ngôn sứ Thiên Chúa sai đến để kêu gọi dân hối cải mà trở về cùng Thiên Chúa, nếu không sẽ bị xét xử. Lời sấm của Isaia trong đoạn này được Đức Giêsu làm cho rõ nghĩa hơn và thêm một số điểm rất quan trọng.
            Vườn nho được giao cho tá điền canh tác. Đến mùa thu hoạch, chủ vườn nho sai đầy tớ đến để thu hoa lợi. Bọn tá điền không thèm đếm xỉa đến các đầy tớ, đánh người này, giết người kia. Sau cùng ông chủ sau con trai mình đến, hy vọng chúng sẽ nể con ông. Thế nhưng, các tá điền giết luôn cả người con, nghĩ rằng giờ đây chúng sẽ có thể chiếm đoạt được vườn nho.
            Trước khi nói lên ý nghĩa của dụ ngôn, Đức Giêsu hỏi dân chúng rằng ông chủ sẽ làm gì bọn tá điền. Không nhận thức được mình đang phán xét chính mình, dân chúng thản nhiên trả lời :”Ông sẽ cho các tá điền khác canh tác”. Sau khi đã làm cho những người nghe giận dữ vì cách cư xử của các tá điền. Đức Giêsu đưa ra lời kết bất ngờ : chính họ là các các điền! Và họ sẽ nhận được bản án mà chính họ đã đưa ra. Vườn nho, tức là Nước Trời sẽ được ban cho “một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”
            Điểm quan trọng nhất Đức Giêsu thêm vào là xác nhận chính Người là con trai ông chủ. Người gián tiếp nói lên điều này qua việc dẫn Tv 117, 22-23. Đây là một cơ hội khác, để các nhà lãnh đạo Do Thái hối cải, nhưng họ từ chối và tiếp tục đi đến chỗ thực hiện dụ ngôn theo nghĩa đen, nghĩa là họ đòi Đức Giêsu phải bị giết. Khi chối bỏ Đức Giêsu, các nhà lãnh đạo Do Thái đã chối bỏ vị ngôn sứ quan trọng nhất của họ. Họ đã chối bỏ Con Thiên Chúa, Đấng Messia và cứu độ của họ.
Đức Giêsu kể dụ ngôn này để cảnh cáo các nhà lãnh đạo Do Thái, đồng thời cũng để nhắc nhở tất cả  chúng ta ngày nay : tùy theo phận vụ của mình trong Giáo Hội, mỗi Kitô hữu là những người tá điền được Chúa ủy thác làm vườn nho của Chúa là xây dựng Nước Trời, xây dựng Giáo Hội thành cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tất cả có làm vì lợi ích Nước Trời, vì lợi ích cho anh em hay vì quyền lợi của bản thân mình ? Có khi nào chúng ta làm việc bác ái không phải vì người nghèo mà chỉ vì muốn đánh bóng hình ảnh nhà từ thiện của mình ? Lấy người nghèo để làm bậc thang tiến đức ?... Trước những tá điền bất trung và sát nhân, ông chủ vẫn cứ kiên nhẫn, sai hết người này đến người nọ, ngày càng nhiều hơn và cuối cùng sai chính con của mình đến với họ. Đức Giêsu đã mạc khải cách rõ ràng về lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua đức kiên nhẫn.
Thánh vịnh 79 coi Israel và loài người như chính vườn nho, nhưng là thứ nho chẳng sinh hoa quả gì. Thiên Chúa đành phá nó đi, nhưng lời Thánh vịnh lại van xin tha thứ cho họ, và chờ ngày họ trở lại. Thiên Chúa đành kiên nhẫn chờ đợi. Trong thư gửi tín hữu Philiphê, Thánh Phaolô cũng chia sẻ tâm tình của tác giả Thánh vịnh. Ngài khuyên mọi người mau hối cải và đừng thử thách sự kiên nhẫn của Chúa. Hãy nhanh chóng trở lại một cách cụ thể bằng đời sống trong sạch, công chính, thánh thiện và trọng luật pháp. Đó chính là những hoa lợi Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải nhìn lại đời sống đức tin của mình để biết nhận ra tình yêu,  nhận ra sứ điệp của Chúa được gửi đến cho chúng ta qua những sứ giả là anh chị em chung quanh, qua Giáo Hội.
Vào tù ra khám, bị đòn roi, trải qua trăm ngàn khổ cực gian lao, do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra. Thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ chúng ta qua đoạn thư gửi tín hữu Rôma :”Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Đừng quá cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém… Đừng lấy ác báo ác ; điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người… Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Đừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ”. Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn mẫu mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người trong cuộc sống hằng ngày..

Phanxicô Xaviê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét