23 tháng 11, 2011

Tỉnh thức chờ đợi


    
     Với Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, chúng ta lại bắt đầu một năm phụng vụ mới. Mùa Vọng (tiếng Việt nghĩa là “sự trông chờ”, “hy vọng”; tiếng La-tinh : adventus nghĩa là “đến”) là mùa đầu tiên của năm phụng vụ bao gồm khoảng thời gian bốn Chúa nhật trước Lễ Giáng Sinh (hơn một tháng) và kết thúc vào Đêm Giáng Sinh. Chủ đề chính của Mùa Vọng là sự chuẩn bị mừng ngày giáng sinh của Chúa Giêsu năm xưa, tuy nhiên theo học thuyết Thánh Kinh hiện đại cho rằng đây còn là sự chuẩn bị tâm linh nhằm hướng đến cuộc trở lại để phán xét thế gian của Chúa Giêsu trong tương lai. Trong tâm tình đó, Giáo hội mời gọi chúng ta suy gẫm cách nghiêm túc lời kêu gọi “Hãy tỉnh thức !” của Chúa Giêsu.
            Chủ đề chung của các bản văn Tin Mừng được chọn đọc trong Chúa nhật thứ I Mùa Vọng cả ba năm A, B, C là lời mời gọi tỉnh thức được trích từ các lời giảng về ngày cánh chung của Chúa Giêsu. Chủ đề này nói lên rõ ràng ý nghĩa của Mùa Vọng quả thực là thời gian chờ đợi Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, thông qua việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, kỷ niệm ngày Chúa đến lần thứ nhất. trong nhãn giới này, chúng ta sẽ hiểu rõ và đầy đủ hơn ý nghĩa của việc tỉnh thức mà Chúa Giêsu  mời gọi.
            Người ta vẫn tin nhận Tin Mừng của thánh Marcô là gần như viết lại các bài giảng của thánh Phêrô, vì ngài đã đi theo, là thư ký của thánh Tông đồ Cả, do đó toàn bộ Tin Mừng Marcô đều ảnh hưởng cái nhìn của vị Thủ lĩnh Tông đồ đoàn và mang tính nguyên thủy. Marcô dành chương 13 để ghi lại diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu. - Riêng với bài Tin Mừng của Chúa nhật thứ I MV này, chúng ta thấy ẩn hiện việc “tỉnh thức” trong tương quan với trách nhiệm “trông coi” của thánh Phêrô. - Diễn từ này được kết thúc bằng lời kêu gọi tỉnh thức và cầu nguyện. Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ về việc thành Giêrusalem sẽ bị phá hủy cùng với các tai biến ghê sợ xảy ra ở đây, và Ngài bảo họ là không thể biết trước khi nào sẽ xảy ra. Ví như người kia đi phương xa, để nhà cửa lại… và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn kêu gọi tỉnh thức bằng cách chăm chỉ làm công việc đã được trao cho. Nếu những câu chuyện cảnh giác luôn thiết thực với người thời nay, thì việc Chúa Giêsu kêu gọi tỉnh thức cũng cần thiết hơn thế. Vì trông chờ Chúa đến không phải là ơ hờ với trách nhiệm, công việc hàng ngày mà còn là động lực để chu toàn tốt các công việc đó trong mọi lĩnh vực,… đặc biệt là với những người có trọng trách, từ nơi gia đình tới xã hội, từ trong xứ đạo tới toàn Giáo hội. Nếu thánh Phêrô nhờ những kinh nghiệm đau xót để làm cho lời giảng của ngài được thánh Marcô ghi lại đầy tính thuyết phục, thì Lời Chúa hôm nay cũng phù hợp với những gì đã có để nhắc cho chúng ta, những người đang sống ở thời buổi có quá nhiều chất “ru ngủ”, hãy “tỉnh thức” để bảo vệ niềm tin cho mình, cho gia đình, giáo xứ mình, cũng như bảo vệ và phát huy những gì tốt đẹp mà xã hội mang lại, đồng thời loại trừ những tiêu cực mê hoặc con người sống trong oán thù, ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau,… để có một xã hội mà ai cũng chu toàn trách nhiệm của mình trong công bình, bác ái hầu đón Chúa đến với niềm hân hoan thực sự.
            Lạy Chúa, lại một lần nữa Chúa nhắc con tỉnh thức để chờ Chúa đến trong niềm tin vui của Mùa Vọng. Giữa một xã hội đầy cạm bẫy và mê hoặc như ngày nay, nhiều khi con cũng hay ngủ quên không nhận ra Chúa đến trong các biến cố của cuộc sống. Xin cho con biết cảnh giác trước cái xấu và sống tốt hơn, biết nghĩ, biết lo cho người khác, để cả Giáo hội, mỗi người mỗi việc, chu toàn trách nhiệm cách trọn vẹn ngõ hầu đón chờ Chúa đến trong niềm hân hoan và tin tưởng. 

Phanxicô Xaviê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét