Bị bao quanh bởi chủ nghĩa vật chất, con người dễ đánh mất lòng tin vào tình yêu Thiên Chúa, dễ ngộ nhận Thiên Chúa đã thất bại trong chương trình của Ngài và không thể nào có ơn tha thứ cũng như không thể cứu chữa những gì đã hư mất. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương. Tình yêu của Ngài sẽ chiến thắng tất cả.
Những ngày cuối của năm Phụng vụ, Giáo hội thường hướng suy nghĩ của chúng ta về ngày thế mạt. Thế mạt theo Kitô giáo không phải là làm cho thế giới này tan biến đi và đến chỗ mạt vận, nhưng là thế giới này sẽ chuyển biến và thay đổi hoàn toàn để giũ bỏ hết mọi hư ảo và mặc lấy các đặc tính trường sinh. Thế mạt theo Kitô giáo có thể giúp chúng ta sống có ý thức hơn và còn đổi mới được những sinh hoạt hiện tại, làm cho đời sống thêm vui tươi hạnh phúc. Như vậy, thế mạt cũng có nghĩa là đổi đời. Và quan niệm này luôn là một cám dỗ. Con người không bằng lòng với hiện tại và muốn đổi khác. Điều quan trọng nhất, chẳng phải là chúng ta muốn thấy sự dữ và kẻ dữ ra đi sao? Nhưng làm thế nào? Chúng ta hãy nghe câu trả lời của các bài đọc Kinh Thánh trong Chúa nhật XXXI thường niên.
Tác giả sách Khôn ngoan đọc thấy cái tâm lý tự nhiên này trong suy nghĩ của con cái Israel ở bên Ai cập. Họ ghét cay ghét đắng những người cai thầu và đốc công, tay sai của Pharaon. Họ sung sướng khi thấy một chàng thanh niên có tên là Môsê thẳng tay hạ sát một tên Ai cập để bênh vực một người Do thái. Môsê xuất hiện và ông đã nói với con cái Israel hãy chuẩn bị ra khỏi xứ nô lệ này. Ông đi lại nhiều lần để gặp gỡ, thương lượng với vua Pharaon việc giải thoát dân Israel . Ông vừa mừng vì những kết quả bước đầu đã đạt được, nhưng cũng vừa ấm ức vì tại sao Chúa chậm chạp, không dùng ngay các biện pháp mạnh và quyết liệt hơn. Con cái Israel nóng ruột, như chúng ta thường cũng nóng ruột chỉ muốn đổi đời ngay tức khắc. Nhưng bài sách Khôn ngoan hôm nay mạc khải cho chúng ta thấy tâm tư của Chúa thì khác. Người dựng nên mọi sự vì yêu mến. Chính tình yêu của Chúa ban cho mà mọi loài được hiện hữu và bảo tồn mọi loài trong sự hiện hữu ấy. Không gì xuất hiện và tồn tại được nếu Người không muốn. Thế nên kẻ dữ còn đó là vì tình thương của Thiên Chúa. Người không ghét bỏ những gì đã tạo ra. Thái độ của Thiên Chúa có vẻ thong thả là để kéo dài việc sửa dạy những kẻ sa ngã, giúp chúng trở lại mà được sự sống đời đời.
Tác giả sách Khôn ngoan không những đã lý luận như thế, ông còn cầu nguyện để hiểu ý Chúa, và ông cũng muốn chúng ta, thay vì nhìn vào kẻ dữ như những cái gai trước mắt và như nguyên nhân cản trở hạnh phúc của chúng ta, hãy nhìn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ hiểu người hơn để cùng chia sẻ tâm tư với Chúa giống như ông. Vì ông hiểu Thiên Chúa là ĐấngToànNăng, toàn thể vũ trụ trước mặt Người như hạt sương rơi trên mặt đất, Người thương xót họ, nên làm ngơ, không coi thái độ của kẻ dữ là quan trọng mà kiên nhẫn chờ đợi họ trở lại.
Câu chuyện ông Giakêu trong bài Tin mừng Lc 19, 1-10 sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thế Chúa cứu độ nhân loại, để từ đó sửa sai chính những thái độ sống hiện nay của mình. Ông Giakêu làm Trưởng ty thuế vụ thành Giêrikhô, giàu có và hẳn cũng gây nhiều nợ mồ hôi nước mắt với người dân trong vùng. Tuy nhiên con người có chiều cao khiêm tốn này lại trở thành một gương sáng cho ta. Vì ông không an vui hay thỏa mãn trong sự giàu sang. Ông chú ý lắng nghe dư luận về Đức Kitô. Để rồi đem lòng ngưỡng mộ, muốn được diện kiến với Chúa – Chuyện ông trèo lên cây để nhìn Đức Kitô cho rõ là một cố gắng đáng khâm phục.
Hôm ấy khi nghe tin Đức Giêsu đi ngang qua Giêrikhô. Tò mò muốn thấy Chúa, nhưng ông lại nhỏ con nên không sao nhìn được vì thiên hạ bu đầy xung quanh Người, ông liền trèo lên một thân cây gần đó. Và ngay lúc ấy Chúa đã lên tiếng gọi ông:”Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Thiên hạ kinh ngạc vì Chúa mà lại vào nhà một người tội lỗi sao? Còn Giakêu thì vui mừng. Ông nhận ra tình thương của Chúa, ông được cảm hóa nên đã sám hối và muốn đền bù tất cả những gì nếu ông có gây hại cho người khác. Để diễn tả lòng cảm mến đối với Chúa, ông không ngần ngại nói thật lòng mình:”Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đó là phản ứng của một con người quyết tâm đổi đời. Trước đây vơ vét nhiều của cải, bây giờ ông bỏ ra và cho đi. Trước đây ông có gian lận, thì bây giờ ông xin đền bù quá mức luật pháp đòi hỏi. Quả thật ông xứng đáng nhận được ơn cứu độ. Ngay sau lời Chúa phán:”Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.”, ông không còn là tội nhân, nhưng đã trở thành con cái của Abraham, con cái của những người đồng thừa tự một Lời Hứa về Nước trời. Sở dĩ như vậy vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Đức Giêsu đến để tìm và cứu kẻ có tội. Người chính là ơn cứu độ Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Chúa đến để thực hiện những điều mà sách Khôn ngoan đã viết: bằng tấm lòng nhân ái, Người sẽ làm cho tội nhân trở lại. Hôm nay Chúa đã làm cho Giakêu trở lại khi đang trên đường lên Giêrusalem. Gặp được Chúa, Giakêu đã nhìn ra con người thật của mình, ông đã thay đổi cuộc sống, hướng về tha nhân bằng lòng quảng đại.
Chúng ta ngày nay đã có đức tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa cứu thế. Chúng ta phải làm gì để ơn cứu độ của Người cũng ảnh hưởng đổi đời một cách sâu rộng? Trong thư gừi giáo đoàn Thessalonica, thánh Phaolô đã khuyên bảo họ phải cầu nguyện luôn: xin Thiên Chúa làm cho chúng ta được sống xứng đáng với ơn gọi Kitô hữu. Và hãy bày tỏ vinh quang của Đức Kitô nơi bản thân mỗi người. Mọi người cũng đừng vội giao động theo những lời tiên tri, những bức thư giả mạo nói về ngày Chúa quang lâm. Biết rằng chắc chắn sẽ có ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm, chúng ta phải biết chuẩn bị cho ngày ấy bằng đời sống đức tin ngay từ bây giờ. Có đức tin vững mạnh thì ngày ấy đến vào giờ nào, như thế nào sẽ không còn quan trọng. Bởi vì chúng ta đã có nguồn ơn cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô.
Phanxicô Xaviê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét