23 tháng 11, 2010

Suy niệm : CHỜ ĐỢI TRONG HY VỌNG

            Theo báo chí mới đây cho biết, mưa lớn lại tiếp tục dội xuống dải đất miền Trung Việt Nam khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... ngập chìm trong nước. Tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2010 đã có thêm 22 người chết, 7 người mất tích, nâng tổng số người chết và mất tích lên đến hàng trăm người. Hàng ngàn người dân đang còn phải sơ tán… Chắc chắn những người đi trên chuyến xe bị lũ cuốn trôi trên đòng sông Lam ở Hà Tĩnh ngày 18 tháng 10 năm 2010 vừa qua, không thể ngờ đó là chuyến xe cuối đời của họ. Và còn không biết bao nhiêu nạn nhân nữa ra đi như vậy trong những cơn mưa lũ kéo dài. Thiên tai lũ lụt thời gian qua xảy ra ở Việt Nam ngày càng dữ dội và khốc liệt, người dân buộc lòng phải sống chung với lũ để tồn tại. Hai trận lũ lụt lịch sử ở các tỉnh Bắc Trung Bộ để lại nhiều dư vị quá đắng cay, đặc biệt là số người chết và mất tích ngày càng tăng. Mặc cho lời cảnh báo của những người có lương tâm, người ta vẫn tiếp tục tàn phá thiên nhiên cách không thương tiếc. Nếu trước đó họ nhìn thấy tương lai trái đất như hiện nay, có lẽ sự việc đã khác đi.
           Thế giới có tội lỗi, có tang thương, có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa. Ngài đã làm người ngay giữa lòng một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài.
           Thế giới của chúng ta đang sống cũng đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc những dấu chỉ thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử loài người và Ngài vẫn tiếp tục yêu thương con người.
           Trong một lần thị kiến, tiên tri Isaia đã được nhìn thấy Giêrusalem, trung tâm của niềm tin vào Thiên Chúa, trở thành thủ đô tôn giáo của nuôn dân. Ở đây Thiên Chúa sẽ phân xử mọi dân tộc và thiên hạ sẽ rèn gươm làm cày, nghĩa là không còn luyện binh đao nữa. Ông không nghĩ rằng xã hội lý tưởng kia sẽ xảy ra vào thời ông. Nhưng vào thời sau hết mà chúng ta được biết đến bắt đầu từ Chúa Giêsu và trong ánh sáng của Người. Nhìn vào thời cuộc lúc bấy giờ chỉ là khởi điểm để nhà tiên tri phác họa ra tương lai của niềm tin. Ông diễn tả đức tin mạnh mẽ của ông vào Lời Chúa. Ngay từ đầu, với Abraham, Thiên Chúa đã hứa cho Israel trở thành dân đông đảo và mọi nước sẽ được chúc phúc ở trong ông. Lời hứa mỗi ngày mỗi được củng cố, đào sâu và phổ biến. Dần đần lịch sử đã mở mắt và hướng dẫn cho dân Israel để họ hiểu Lời Hứa trên sẽ không thực hiện đầy đủ trong các biến cố lịch sử do con người tạo ra. Chỉ một mình Chúa có thể thực hiện Lời Hứa trên, và khi Ngài ra tay, lịch sử sẽ đi vào thời đại hoàn toàn mới mẻ, thời đại của chính Thiên Chúa, của Đấng Thiên Sai mà Ngài sai đến. Như vậy, lời bài sách Isaia nói về thời Thiên Sai, thời Đấng Cứu Thế, nay đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Các dân tộc đã tuôn về nhà Chúa là Giáo Hội và người ta đang đi trong đường lối của Ngài. Tuy nhiên chúng ta đều biết vẫn chưa có sự hoàn hảo và đầy đủ. Chính Đức Kitô trong bài Tin Mừng Mt 24, 37-44 nói chúng ta phải chờ đợi ngày “Con người sẽ đến”. Do đó Phụng Vụ hôm nay đã nói lên ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng, là hướng lòng chúng ta về ngày Chúa lại đến. Vì thế chủ yếu của Mùa Vọng không nhằm đến việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, nhưng muốn khơi lại niềm tin về ngày Chúa sẽ quang lâm.
           Isaia đã khuyên nhà Yacob, hãy đi trong ánh sáng của Chúa. Thánh Phaolô cũng bảo, hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng. Vì Chúa đã đến trong thế gian khi Ngài Giáng Sinh làm người. Chúa đã đem ánh sáng chân lý dẫn đưa các tín hữu đang trên đường lữ thứ trần gian. Cũng trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta thái độ căn bản trong thời gian chờ đợi ngày Chúa lại đến. Chúa nói: “Vậy chúng con hãy sẵn sàng”. Chúa nhắc lại câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Noe trong Cựu Ước để làm thí dụ so sánh và để giáo huấn chúng ta cách cụ thể. Trước khi nạn hồng thủy xảy đến, mọi sự đều bình thường, không có dấu hiệu gì báo trước, không ai nhắc nhở cảnh cáo, chẳng ai nghĩ rằng tai họa có thể xảy đến. Cho nên, người ta vẫn mở tiệc ăn uống, vẫn lo cưới vợ lấy chồng, nhưng rồi mọi người, mọi sự đầu bị nước cuốn trôi đi hết, trừ gia đình ông Noe vì đã chuẩn bị sẵn sàng nên được cứu thoát. Cuộc quang lâm của Chúa cũng sẽ như vậy, nghĩa là hết sức bất ngờ, không ai dự đoán được. Điều làm cho số phận của gia đình ông Noe và thiên hạ khác nhau là sự sẵn sàng của ông và sự “không hay biết gì” của những người khác. Cái làm nên sự khác biệt ấy chính là sự sẵn sàng và không sẵn sàng của họ, như Chúa nói: hai người đàn ông đang cùng làm việc ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; cũng vậy, hai người đàn bà đang cùng xay một cối bột, một người được đem đi, một người bị bỏ lại, tức là một người được thưởng và một người bị phạt. Rồi Chúa Giêsu lại lấy một thí dụ khác trong đời sống hằng ngày để nhấn mạnh thêm về sự khẩn trương phải sẵn sàng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình”. Ở đây, Chúa không đòi mọi người đến mức đó. Nhưng Ngài nói: vì không biết ngày giờ nào Con Người sẽ đến, nên luôn luôn phải sẵn sàng. Thái độ sẵn sàng là không ngừng nuôi dưỡng ý thức việc Chúa sẽ trở lại. Ý thức đó phân biệt người tin với kẻ không tin. Khi nêu cao ý thức Chúa sẽ đến, Mùa Vọng muốn chúng ta trở thành những con người luôn tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi trong hy vọng ngày Chúa quang lâm. Chúa sẽ đến phán xét toàn thể nhân loại trong ngày tận thế, và Chúa cũng sẽ đến gọi từng người ra khỏi đời này khi chúng ta chết. Nhưng vì không biết ngày nào, giờ nào nên chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Đừng để những đam mê lạc thú bất chính, những tiện nghi vật chất chi phối như những người không tin. Hãy tiếp tục sống tốt, sống có trách nhiệm với những công việc trần gian nhưng đồng thời vẫn không ngừng quy hướng về đời sau, về Chúa. Để khi phải đối diện với Ngài, chúng ta không cảm thấy hổ thẹn mà hoàn toàn xứng đáng.
          Mùa Vọng là thời gian của hy vọng. Chúng ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Tiếp theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người. Thiên Chúa vẫn theo đuổi chương trình yêu thương của Ngài. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Do đó, chúng ta cũng được mời gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người. Dù họ thấp hèn tội lỗi, dù họ hung hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và mỗi một con người đều xứng đáng để tiếp tục dược tin tưởng, được yêu thương.

Phanxicô Xaviê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét