Phẩm trật và quyền bính của Hội Thánh được trao phó trên nền tảng đức tin khởi đi từ các Tông đồ mà đại diện là Thánh Phêrô.
Đọc lại những lời của Tiên tri Isaia liên quan đến việc cách chức Sobna, một viên quan cai đền thờ. Người ta thấy, bản văn tóm tắt về một vụ rắc rối nhỏ dẫn đến việc thay thế viên quan này, vì đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, ở đây lại là một mạc khải về quyền hành trong nhà Chúa : Dân Israel là dân Thiên Chúa tuyển chọn. Do đó, mọi sự đều do Thiên Chúa cắt dặt, trao ban quyền bính.
Đức Kitô, sau này cũng đã chọn Phêrô và trao quyền làm thủ lãnh một dân mới, một Vương Quốc mới là Hội Thánh.
Theo Tin Mừng thuật lại, thời Đức Giêsu, nhiều người Do Thái tin rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ sai đến cho họ một Đấng Mesia (tiếng Hy Lạp có nghĩa là Kitô) – tức là một vị được xức dầu tấn phong làm vua – sẽ giải thoát dân Israel khỏi bị áp bức và sẽ thiết lập Nước Thiên Chúa trên trần gian. Trong thực tế việc đó sẽ xảy ra thế nào thì không rõ, nhưng một vị vua mới chắc chắn sẽ là mối đe dọa cho vua Hêrôđê, cho chính quyền Rôma và sau cùng cho hoàng đế Xêda.
Đức Giêsu chọn Xêdarê Philipphê, một thành xa xôi hẻo lánh phía đông bắc Israel , để trao đổi đề tài tế nhị này với các môn đệ. Đức Giêsu đặt vấn đề cách gián tiếp khi hỏi rằng người ta nói Con Người là ai. Dân chúng nghĩ Đức Giêsu là một ngôn sứ nào đó, có thể là ông Gioan Tẩy Giả, ông Elia hoặc ông Giêrêmia, nhưng họ không chắc. Vì thế Đức Giêsu hỏi các môn đệ nghĩ gì.
Ông Phêrô trả lời rằng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Khi trả lời như vậy, ông Phêrô đã minh nhiên công bố lòng thần phục vị vua được tần phong của Thiên Chúa. Một suy nghĩ, một cái nhìn hoàn toàn khác với dư luận quần chúng, một lời tuyên xưng chính xác, đủ để Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của các môn đệ, đủ để Người trao quyền lãnh đạo tối cao trong Hội Thánh cho Phêrô. Bấy giờ Đức Giêsu tuyên bố : Phêrô sẽ là tảng đá làm nền móng cho Hội Thánh, tức là dân mới trong nước của Người. Cộng đồng này gồm những người sẵn sàng tỏ lòng thần phục vị vua do Thiên Chúa bổ nhiệm, khởi đầu ngay tại đây với nhóm môn đệ. Sau đó Đức Giêsu tuyên bố thêm rằng quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi các thành viên của cộng đồng này. Rồi Người trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, tức là quyền bính
Như vậy, Đức Giêsu đã chọn Phêrô làm tảng đá nền móng cho Hội Thánh, mặc dú ông có những khuyết điểm do tính loài người. Chúng ta có thể học được diều gì từ đây ?
Trong các chương đầu của thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã phân tích, suy tư và trình bày về các công trình tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, không phân biệt Do Thái hay dân ngoại, cho thấy tình thương của Ngài thật bao la không thể nào dò thấu. Tất cả mọi sự đều do Thiên Chúa, nhờ Ngài và trở về với Ngài. Thiên Chúa là nguồn gốc và tận cùng của vạn vật. Nhờ Ngài mà vũ trụ và con người tồn tại mới có ý nghĩa. Qua đó, tin vào Chúa là tin tưởng, tôn trọng và nghe theo các định chế Người thiết lập, là chấp nhận và sống theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, là hòa mình vào nhịp sống chung, không đứng bên lề Hội Thánh.
Trong một câu truyện ngắn mang tựa đề “Hoàng tử tí hon”, văn hào Pháp Saint Exupery có kể lại như sau : Máy bay trục trặc, ông đã phải đáp xuống sa mạc Sahara . Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.
Viên phi công đành phải chìu theo ý của cậu bé. Nhưng con cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua. Không vừa ý, ông lại tiếp tục vẽ. Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn. Không biết cách nào làm vừa lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái hộp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu :”Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ!”.
Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bỏi vì ông vừa giải thích thì cậu bé đã reo lên :” Đây chính là điều mà cháu đang chờ đợi…Xem kìa, con cừu đang ngủ”. Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng theo ý thích của nó. Nó còn tin rằng cái hộp này quả thực là hữu ích vì con cừu mà nó chưa bao giờ thấy vẫn có nơi trú ngụ.
Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảy ra như thế, và ngay trong Hội Thánh cũng vậy. Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng biết rằng Hội Thánh không phải là Đức Giáo Hoàng, Hội Thánh không phải là Tòa thánh Vatican . Hội Thánh lại càng không phải là một vị Giám mục hay các Linh Mục… Hội Thánh chúa Kitô là một thực tại gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những con người. Bổn phận của mỗi người Kitô hữu, chính là vẽ lại khuôn mặt của Hội Thánh. Tùy thuộc vào những nét điểm tô của chúng ta, mà mọi người có thể nhận biết đây chính là nơi mà họ phải trú ngụ.
Phanxicô Xaviê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét