Hạ Đình Nguyên
Bênh vực kẻ giết người là điều trái đạo lý và ngược pháp
luật. Kết án kẻ giết người – đã chết – là thừa.
Nói xấu, bôi nhọ thì vô liêm sỉ.
Khi khởi sự ra đi, anh không quan tâm đến một lời phán xử
của bất cứ ai. Anh biết rõ nguyên nhân anh hành động, biết cách hành động, và
hiểu rõ hậu quả của hành động, cả cách giải quyết hậu quả ấy, bằng hai phát
súng cuối cùng cho mình.
Khi gặp nỗi bất bình tột độ, người dân Bắc Triều Tiên có
thói quen phản ứng bằng cách “khóc tập thể” khi gặp mặt lãnh tụ; người dân Tây
Tạng có truyền thống chọn “tự thiêu”. Còn ở Việt Nam thì có nhiều cách, có cách
của Vươn, của Văn Giang,… và bây giờ là cách của Viết.
Hai giờ chiều ngày
11-9, đúng ngày nước Mỹ bị khủng bố cách đây 12 năm, một người đàn ông tuổi
trung niên, vào tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình, gởi xe rồi đi tìm
Văn Phòng của “Trung tâm Phát triển Quỹ đất”.
Bước vào văn phòng Trung tâm, thấy ba người đàn ông đang
ngồi, anh ta hỏi người ngồi gần nhất (Phó Giám đốc Dũng):
- Ông Giám đốc Tư đâu?
- Tìm gặp Giám đốc có việc gì? – Người ấy hỏi lại.
Không trả lời, với một vẻ thản nhiên, như thực thi một sứ
mệnh, người đàn ông đưa tay vào túi, lấy ra khẩu súng, bắn thẳng vào đầu người
vừa hỏi. Hai người ngồi cạnh bất động, không kịp một phản ứng nào, liền nhận
ngay lập tức mỗi người một phát vào đầu. (các cán bộ Xuân và Dương). Ba người
liên tiếp đổ gập xuống. Bước ra khỏi phòng, Đặng Ngọc Viết chuyển sang phòng
bên cạnh, bắn một phát ngay vào đầu người vừa xuất hiện (cán bộ Cương). Bà Phó
Giám đốc Lan Anh kinh hoàng lao vội xuống gầm bàn để trốn. Một phát nữa sượt
qua mang tai.
Năm phát súng đã gây sự náo loạn. Người ta nhốn nháo chạy ùa
ra khỏi phòng, thấy kẻ “sát thủ” bước nhanh qua sân, tay cầm khẩu colt, họ vội
vàng lao ngược về phòng, đóng cửa lại. Sát thủ ra lấy xe và đi mất, để lại đằng
sau một hiện trường tang tóc, mặc cho cái Trung tâm Phát triển “QUỶ” đất – một
loại quỷ của đất – và một câu hỏi duy nhất còn đọng lại tiếng vang “Giám đốc Tư
đâu?”.
Bây giờ, có lẽ Giám đốc Tư đã hiện diện lành lặn, cùng các
nạn nhân:
- Vũ Ngọc Dũng, Phó Giám đốc, bị bắn
vào đầu.
- Phạm Thị Lan Anh, Phó Giám đốc, bị
bắn sượt mang tai.
- Nguyễn Thanh Dương, cán bộ, bị bắn
xuyên mắt phải.
- Vũ Công Cương, cán bộ, bị bắn vào
đầu.
- Bùi Đức Xuân, cán bộ, bị bắn vào
đầu.
Buổi chiều cùng
ngày, Đặng Ngọc Viết cỡi xe về đến quê nhà, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương,
tỉnh Thái Bình. Tắm rửa xong, anh đi bộ ra chùa Đông Sơn, một ngôi chùa trong
làng. Anh chuyện trò cùng mấy người Phật tử. Sau này, người ta mô tả, anh là
người hiền lành, nói ít. Anh có bày tỏ vài lời bất bình về việc đền bù giải
tỏa. Khoảng 5 giờ chiều, anh nghe bụng đói, lại đến giờ ăn, anh xin một bát cơm
chay. Ăn xong, anh thong thả ra tượng đài Phật Quán Thế Âm, đi quanh nhiều vòng
rồi ngồi lại ở chân đài. Hơn 6 giờ, trong không gian tĩnh lặng, người ta nghe
hai phát súng nổ. Hai phát súng tự bắn vào ngực mình.
Đặng Ngọc Viết không phải là một sát thủ chuyên nghiệp nhận
giết thuê vì tiền, không phải là chiến sĩ Hồi giáo chiến đấu vì Allah, càng
không phải là người của “thế lực thù địch” từ Mỹ hay Trung Quốc cử sang. Viết
giết người vì lý do gì?
Bảy phát súng nổ, tuy diễn ra ngắn ngủi nhưng có vọng âm xa,
sâu lắng, làm cho lương tâm con người trở nên ray rứt. Ranh giới rất là mong
manh giữa trái và phải, giữa lương thiện và bất lương, gây nên những cảm xúc
nhiều chiều, trái ngược, lại có phần “phi pháp”. Hẳn nhiên Đặng Ngọc Viết là kẻ
giết người, nhưng còn điều gì đó khác, và hơn thế nhiều. Và cả những nạn nhân
đáng ngờ kia, nếu không phải thủ ác, thì cũng là vô tình tham gia cái ác?
“Phát triển quỹ đất”, đất đâu mà phát triển? Bờ rạch, bờ
sông, hẻm núi, bưng biền đều có bàn tay người dân nâng niu, khai phá, tô bồi từ
lâu mà có, nói chi tới đồng ruộng vườn tược… Phát triển là bành trướng, thu
tóm, gom lại cho nhiều, tích lũy lại thành quỹ riêng cho mình – là những nhóm
người đang nắm quyền lực trong tay, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng
sản. Đó là sự giành giật, cướp đoạt trắng trợn, lõa lồ, dưới một hệ thống từ
ngữ có tính chất ma thuật.
Viết lạnh lùng bắn vào đầu năm con người không quen biết,
nói chi tới thù hận riêng tư! Viết tìm ông Giám đốc Tư, nhưng thực chất không
nhất thiết phải đi tìm cái hình hài cụ thể của Giám đốc Tư. Tất cả chỉ là biểu
tượng với nhiều tầng nấc. Đích thực, cái mà anh ta nhắm đến thì lại vô hình vô
dạng. Nó nằm trên những con chữ vô tri, lạnh lùng mà đẫm máu trên các trang
giấy. Ai mà đi ném bom hay đặt mìn vào trang giấy, họa điên sao? Đó là những
cụm từ làm ứa máu, sôi gan người dân bao năm qua: “giải phóng mặt bằng”, “đền
bù giải tỏa”, “quy hoạch”, “phát triển”, “tích lũy”…. Đó là sản phẩm của cái
tiền đề “đất đai là của toàn dân”. “Toàn dân” là một từ ngữ trống không, do đó
những người nhân danh là “đầy tớ” tha hồ hành xử kiểu ma thuật. Từ đó, quỹ
đất đã trở thành quỷ đất. Chúng sống bằng đất, ăn đất, thở đất,
phương phi bằng đất, trơn láng bằng đất, hãnh tiến, tự tin, hây hây uy quyền,
uy nghi cũng bằng đất. Chúng đang tiếp tục hoành hành như một trận dịch.
Nhưng những cái đầu nào là chủ nhân đích thực của các con
chữ nói trên?
Nó nằm ngoài tầm với của sức lực và bàn tay Viết, nhưng
không phải là ngoài tầm nhìn và sự hiểu biết. Viết là một con người bình thường
khỏe mạnh, chưa có tiền án tiền sự, đã nhiều lần đi tìm cái sống bằng “xuất
khẩu lao động” sang Nga. Anh ta biết đi đây đi đó. Hẳn là biết chuyện Đoàn Văn
Vươn, chỉ bắn súng hoa cải cho vơi nổi giận, được nhân dân cả nước ủng hộ, song
không thoát khỏi cảnh tù đày, và ông Đại tá Ca – kẻ chỉ huy cuộc tấn công “có
thể viết thành sách” – lên Tướng. Hẳn cũng biết những đoàn người đấu tranh giữ
đất, đòi đất, khiếu kiện ôn hòa, lê lết rồng rắn hàng năm trời ở các đường phố
Hà Nội, Sài Gòn, ăn đường ngủ bụi, màn trời chiếu đất ở các công viên, bị “côn
đồ” hành hung, v.v. chẳng đem lại một hiệu quả nào. Viết cũng trải qua những
tích lũy nội tâm về hoàn cảnh gia đình, trong cái đất nước đang rất tiến lên
này. Mẹ đã mất, cha là cựu chiến binh nằm bại liệt nhiều năm, người anh mang
bệnh chất độc màu da cam, vợ li dị sang Nga sinh sống, hai đứa con nhỏ gởi bên
ngoại vì không đủ sức nuôi… Bây giờ thì đến lượt bọn “quỷ đất” há mồm vồ
anh! Có lẽ trái tim của Viết đã đến độ đầy lên, và anh ta hành động. Và anh đã
hành động theo cách triệt để, tận cùng.
Thông tin cho biết, Viết thản nhiên nhận tiền “đền bù”. Anh
vào Sài Gòn một chuyến, rồi quay về. Một tuần sau, sự kiện ngày 11-9 đã diễn
ra!
Năm nạn nhân đã chịu thay cho ông Giám đốc Tư may mắn. Giám
đốc Tư lại là một biểu kiến cho cái “phát triển quỷ đất” trên khắp nước.
Chuyện hãy còn dài.
Sẽ có bao nhiêu Viết trong nhân dân, khi mà mệnh lệnh “đất
đai là của toàn dân” còn tiếp tục được ban ra theo cách “kiên định”? Một con
người bình thường, bỗng dưng trở nên chuyên nghiệp, tỉnh táo và dứt khoát, hành
động như một tay sát thủ có đẳng cấp.
Đáng tiếc và đáng thương cho một dòng máu đã chảy!
Bao giờ thì hết bọn quỷ đất?
Câu trả lời này dành cho ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng chắc chắn dân Việt không có tập quán “khóc tập thể” khi gặp Ngài Lãnh tụ!
14-9-2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét