3 tháng 5, 2018

BÔNG LÚA NẶNG HẠT LÀ BÔNG LÚA BIẾT CÚI ĐẦU.



Tu viện Thủ Thiêm là tu viện của Dòng Mến Thánh Giá hiện tọa lạc tại phường Thủ Thiêm, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập năm 1840, đây là tu viện đầu tiên của nhà dòng này tại Sài Gòn, và là thứ hai tại Miền Nam Việt Nam, sau Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (thành lập năm 1800).
Trong khi đó Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930. Xét về mặt lịch sử, Tu Viện Mến Thánh Giá đã có mặt trước ĐCS cách xa đến hơn 1 thế kỷ (110 năm). Như vậy, nếu hôm nay chính quyền cs tại SG muốn lấy phần đất này thì không thể gọi là thu hồi đất được. Vậy thì hành động này gọi là gì?
***
Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng nằm trong số 9 lô “đất vàng” sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại TP.HCM.
Thông tin này được chính quyền thành phố đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 2/5, sau khi xuất hiện loạt bài “đấu tố” một nhóm tôn giáo có tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời” (hay “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”) trên truyền thông nhà nước. Một linh mục Công giáo hoạt động về truyền thông nhận định với VOA rằng đây có thể là bước “chuẩn bị dư luận” cho việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo sắp tới.
Từ áp lực nhiều phía…
Đại diện của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, nữ tu Đặng Thị Mỹ Hạnh, tối 2/5 cho VOA biết nhà dòng chưa hề nhận được bất cứ thông báo gì về việc bán đấu giá khu nhà hiện đang là nơi ở của hàng trăm nữ tu.
“Không có một văn thư nào. Chỉ nghe người này người kia nói nên vô trang báo Tuổi Trẻ đọc thông tin thì thấy hơi lạ”, nữ tu Mỹ Hạnh nói.
Khu vực Nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm được xem là một di sản văn hóa giữa lòng đô thị phồn thịnh nhất Việt Nam. Các nữ tu của nhà dòng đã có mặt tại vùng đất này từ khi nơi đây vẫn còn là một khu rừng hoang.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1840 với tài sản ban đầu là căn chòi lá dựng cạnh một gốc me hiện vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử.
Sau đó, nhà dòng dần dần phát triển và xây dựng thêm 3 khu trường học để phục vụ nhu cầu giáo dục của người dân trong khu vực.
“Năm 1975, vì nhu cầu của đất nước và theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình yêu cầu nhà dòng giao trường cho nhà nước để họ dạy học. Lúc đó, nhà dòng đồng ý giao trường với mục đích giáo dục. Đến năm 2011 là hết học trò, họ lại đưa UBND, trụ sở Công an và các văn phòng của họ vào ở, nên các soeur viết văn thư yêu cầu họ trả trường lại, vì chúng tôi hiến cho mục đích giáo dục, nếu không giáo dục nữa thì phải trả cho chúng tôi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, họ không giải quyết cho mình. Họ nói rằng cái đó đã giao cho nhà nước rồi thì thuộc về nhà nước”, Soeur Mỹ Hạnh cho biết.
Một trong 3 khu nhà của Trường Tiểu học Thủ Thiêm đã bị chính quyền phá dỡ vào năm 2015 để làm đường cho dự án xây dựng đô thị mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của chính quyền nhằm “san phẳng” khu vực này đã vấp phải sự phản kháng ôn hòa của các nữ tu và giáo dân.
“Nhà dòng vẫn giữ quan điểm là ở lại, không đi đâu hết, vì mình đã ở đây trên 178 năm rồi. Tên nhà dòng là Thủ Thiêm. Mình đã ở đây, gắn bó bao nhiêu năm rồi. Tên của nhà dòng là ở đây, chẳng lẽ đi đâu rồi đổi tên khác”, Soeur Mỹ Hạnh nói.
Nữ tu đại diện cho Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nói nhà dòng vẫn đang chịu rất nhiều sức ép để buộc phải di dời, từ việc đại diện chính quyền đến mời các nữ tu đi xem những khu đất mới, hay nêu ra những “khó khăn” về cơ sở hạ tầng khi người dân xung quanh đã bị buộc phải di dời hết, đến những can thiệp trực tiếp như chặn đường vào nhà dòng, cắt điện, nước… viện lý do dành ưu tiên cho các công trình xây dựng.
… đến tấm bản đồ mất tích bí ẩn…
Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.
“Thứ nhất, trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch”, LM. Thanh nói.
Tại buổi họp báo ngày 2/5, khi báo chí truy vấn về tung tích của tấm bản đồ năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM, Nguyễn Thanh Nhã, nói “đã ‘truy tìm’ bản đồ này từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra”, theo Zing.
Lý do ông Nhã đưa ra là do cơ quan di chuyển nên không lưu trữ bản đồ.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan lại nói “không phải là không có [bản đồ gốc] mà chưa tìm ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm”, theo Tiền Phong.
Và như vậy, tung tích tấm bản đồ quy hoạch gốc vẫn còn là một ẩn số.
Điều “không thỏa đáng” tiếp theo, theo LM. Thanh, là việc giải tỏa không hội đủ cơ sở để giải thích cho lý do buộc các cơ sở tôn giáo phải di dời, vì dự án xây dựng khu đô thị mới chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh tế, không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, “Khi khu dân cư được xây dựng xong, thì người dân cũng có nhu cầu phải có một nơi thờ tự. Vậy tại sao trên quy hoạch lại không ưu tiên cho đời sống tâm linh của người dân?”, LM. Thanh đặt thêm câu hỏi.
… và ‘chuẩn bị dư luận’?
Thông tin về vụ đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước rầm rộ đăng loạt bài “đấu tố” Hội Thánh Đức Chúa Trời với những lời lẽ nặng nề, cho rằng nhóm tôn giáo này là một “tà đạo” dựa trên luận điệu phản khoa học, “khiến cho các tín đồ mê muội, bỏ bê công ăn việc làm, gây ly tán gia đình chẳng khác gì tổ chức khủng bố IS”.
Loạt bài này đã khiến không ít người dân hoang mang, thậm chí “gây căng thẳng” trong nội bộ các tôn giáo, và giữa người theo tôn giáo và không có tôn giáo, theo lời LM. Lê Ngọc Thanh. Ông cho rằng đây có thể là một bước “dọn đường dư luận” để tiến tới việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm sắp tới.
LM Thanh phân tích:
“Sau khi đã chuẩn bị, họ mới công bố việc đấu giá này. Tức là họ dùng dư luận kia để làm cho dân chúng cảm thấy rằng có tôn giáo là sai lầm, bậy bạ, không đứng đắn, và bây giờ nếu có giải tỏa một cơ sở tôn giáo thì cũng là hợp lý, bình thường thôi”.
Quyết định giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu vực “đất vàng” Thủ Thiêm đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng chính quyền “quá tham lam” và “thiếu tầm nhìn” khi đánh đổi những di sản văn hóa, tôn giáo để đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá.
Dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Canada tại TPHCM đặt câu hỏi trên Facebook rằng: “Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?”.
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án di dời các cơ sở tôn giáo trong khu vực và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
9 lô đất, với tổng diện tích 78.000 m2, sẽ được quy hoạch thành khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm. Dự tính tổng mức đầu tư khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng.
(Nguồn: Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ/ Voatiengviet.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét