Trước hết chúng ta cùng nhìn lại sự kiện, con cái Israel đang trên đường từ Biển Đỏ tiến đến ngọn núi Sinai. Họ đã ra khỏi Ai Cập nhờ cánh tay uy dũng của Thiên Chúa. Nhưng khí thế ban đầu đã dần dần suy giảm vì cảnh hoang vu của sa mạc cát bỏng, thiếu thốn về của ăn và thức uống, khó khăn trăm bề. Họ bắt đầu than trách Môisê: "Sao ông không để chúng tôi lại bên Ai Cập? Ở đó có thịt nướng hành thơm. Còn ở chỗ hoang vu nóng bỏng này, chúng tôi sẽ chết đói, chết khát mất. Những lời kêu ca phàn nàn này bộc lộ một tâm trạng nghi ngờ, thiếu tín nhiệm. Tuy nhiên lòng thương xót của Chúa vẫn trỗi vượt. Thiên Chúa tiếp tục ban ơn cho đoàn người kém hiểu biết ấy. Người ban manna và chim cút, cho nước chảy ở Massa và Meriba. Dân được ăn no và uống đã khát. Nhưng dù sao họ vẫn là dân cứng cổ, hay thay lòng đổi dạ, dễ quên ân tình và luôn sẵn sàng bội phản. Chính vì vậy, trong bài sách Xh 17,8-13, Thiên Chúa để họ rơi vào tay Amalek, nghĩa là rơi vào hoàn cảnh khiến họ phải mở mắt ra mà thấy Người có ở giữa họ hay không. Ở đây chúng ta không thấy sách Xuất hành nói rõ Amalek đã tấn công con cái Israel thế nào. Nhưng sách Thứ luật (25.17-19) thì cho biết Amalek đã hèn hạ chặn đánh những kẻ đi sau cùng trong đoàn người khi những người này đã kiệt quệ đuối sức. Thế nên Môisê phải nói với Gio-suê: "Anh hãy chọn một số người, và ngày mai ra đánh Amalek. Còn tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm cây gậy của Thiên Chúa." Môisê cầm cây gậy thủ lãnh mà ông vẫn mang theo từ ngày được lệnh Chúa giải thoát con cái Israel. Đó là cây gậy đầy quyền lực của Thiên chúa. Mà giờ đây, một lần nữa ông lại cầm cây gậy ấy lên núi, để tiếp tục van xin Thiên Chúa ra tay cứu giúp Dân Người thoát khỏi tay thù địch. Câu chuyện đụng độ với Amalek vì thế trở thành biểu tượng cho mọi thử thách mà những người được Thiên Chúa tuyển chọn gặp phải trong cuộc sống. Đó cũng là câu chuyện trong chính cuộc đời của chúng ta khi gặp thử thách gian nan. Sức chống cự của ta cũng không hơn gì Gio-suê. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được là nhờ đôi tay không ngừng giơ cao để cầu nguyện. Và điều này chỉ có thể làm được khi chúng ta tin tưởng Chúa hằng ở với chúng ta và bênh vực chúng ta.
Bài học của sách Xuất hành hôm nay rõ ràng cụ thể và sâu xa. Nó cho thấy đời sồng của những người con Chúa thật tề nhị và hiểm nguy khôn lường, trên dường về miền đất hứa. Do đó chúng ta phải cầu nguyện luôn và cầu nguyện không ngừng, không được nản chí theo gương người đàn bà góa mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong đoạn Tin mừng Lc 18,1-8 hôm nay.
Dụ ngôn này nói đến một người đàn bà góa đến trước cửa quan. Người góa phụ và trẻ mồ côi trong xã hội Do thái tiêu biểu cho sự nghèo khổ thiệt thòi. Người cha và người chồng là nền tảng, là rường cột của gia đình, thì người góa phụ và trẻ mồ côi đã bị lấy đi sức mạnh ấy. Họ bị dồn vào hoàn cảnh bấp bênh. Chúa Giêsu dùng hình ảnh một góa phụ đến trước cửa quan để van xin. Bà ta đến chỗ không dễ van xin một ơn huệ nào khác, mà chỉ xin được quyền sống công bằng như những người khác. Bà đến cửa quan với hai bàn tay trắng, với một tâm lòng kiên nhẫn nài xin, trong sự thấp hèn của thân phận một góa phụ.
Ông quan tòa bất chính, không sợ Chúa, chẳng nể ai đã phải xử cho bà góa, vì ông không chịu nổi tính kiên trì của bà. Một quan tòa hống hách, coi thướng luật Chúa, chẳng thèm biết nỗi khổ của dân nghèo, thế mà đã phải chịu thua trước lời năn nỉ của bà góa. Nếu một con người như thế còn thay đổi thái độ, phương chi là Thiên Chúa.
Trong cách giảng dạy, Chúa Giêsu thường đưa ra những hình ảnh, có chiều thuận cũng như có chiều nghịch. Như khi đưa ra hình ảnh một vị thẩm phán coi trời bằng vung, cậy dựa quyền thế mà Chúa gọi là "quan tòa bất chính", để tôn vinh Thiên Chúa là vị thẩm phán nhân từ bao dung. Từ hình ảnh vị thẩm phán, Chúa Giêsu dẫn ta đến gặp bà góa nghèo, kiên trì kêu xin minh oan, dù đã bị nhiều lần khước từ.
Trong cuộc hành trình đức tin, khi gặp phải những khoảng trống sợ hãi. Chúng ta kêu xin mà hình như Thiên Chúa vẫn làm ngơ. Thử thách mà Timôthê gặp phải cũng giống như việc con cái Israel gặp Amalek, và cũng giống như những lúc chúng ta thấy nhàm chán trong việc cầu nguyện. Tất cả đều là cám dỗ và trở ngại khiến chúng ta giảm bớt lòng tin vào Thiên Chúa. Bài học Chúa dạy ở dây hôm nay là hãy kiên trì cầu nguyện. Sự kiên trì trong cầu nguyện cũng là sự bền đỗ trong đức tin, vì cầu nguyện liên lỉ sẽ nuôi dưỡng lòng trông cậy tin tưởng nơi Thiên Chúa."Ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu độ". Xin Chúa cho chúng ta đức tin kiên trì như Mẹ Maria cả khi cầu nguyện lẫn trong cuộc sống.
Phanxicô Xaviê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét