Đứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Cuộc sống của mỗi người chúng ta, của những người chung quanh và của cả xã hội này có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối… Chỉ cần một người đốt lên chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi hơn.
Trên một tờ báo mới đây có thuật lại câu chuyện thật xúc động về cuộc hành trình kỳ diệu cứu con khỏi bệnh ung thư của một người cha. Bài báo đó viết: Các bác sĩ cũng từng không tin sẽ giành lại được sự sống cho cô bé 3 tuổi yếu ớt bị ung thư nặng, nhưng bố em - dù biết con có thể chết trên bàn mổ - vẫn quyết đi đến cùng vì tin con sẽ thoát lưỡi hái tử thần. Đó là trường hợp của anh Hồ Văn Hùng (xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An). Hơn một năm trước, bé Hà, con gái thứ hai của anh, bị phát hiện có một khối u ở bụng và đã được mổ cắt bỏ tại bệnh viện tỉnh, nhưng sau đó, khối u mọc trở lại và ngày càng to. Anh Hùng đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương và được các bác sĩ cho biết, bé Hà mắc ung thư vùng hạ vị, rất nguy hiểm. Bệnh của cháu khá hiếm gặp, và những ca nhập viện thường không tiếp tục chữa, vì tỷ lệ khỏi rất ít.
Suốt gần một năm đưa con đi chữa bệnh, hầu như lúc nào cũng chỉ có hai bố con, thỉnh thoảng thì có thêm người nhà, khi là bà nội, lúc là mẹ hay người bác lên cùng chăm sóc, nhưng anh Hùng chưa bao giờ phải đơn độc.
Theo lời anh kể, trước khi anh đưa con đi chữa bệnh, có người lặn lội từ miền Nam về tận quê, rồi kể rằng, họ từng bị ung thư và đã khỏi, tha thiết bảo anh đưa con đi chữa. Sau đó, người này, vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên chẳng thể hỗ trợ anh về tiền bạc, đã ngày ngày vào viện thăm hỏi, động viên tinh thần hai bố con. Hay có những Việt kiều từ nước ngoài gửi tiền về giúp đỡ, thậm chí còn thuyết phục anh đưa con ra nước ngoài chữa trị, mọi khó khăn, phí tổn họ sẽ lo hết...
"Cháu có được như ngày hôm nay là nhờ các bác sĩ, các cô, các bác ở khắp mọi miền đã giúp đỡ. Cái ơn đó cả gia đình tôi suốt đời không quên và chẳng biết làm gì để đền đáp được", ngồi nhìn cô con gái chơi đùa vui vẻ sau ca phẫu thuật, anh Hùng bộc bạch.
Nói về trường hợp bệnh của bé, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Thủy, khoa Phẫu thuật Nhi, bệnh viện Việt Đức Hà Nội, cho biết, đây là trường hợp đặc biệt nhất mà chị từng gặp. Đặc biệt không chỉ bởi sự chiến thắng bệnh tật kỳ diệu của cháu gái nhỏ bé mà còn bởi sự quyết tâm theo đuổi đến cùng quá trình chữa bệnh của người cha.
"Thật sự, lần đầu tiên và lần thứ hai mổ cho cháu Hà, chính chúng tôi cũng thầm nghĩ cháu khó mà qua khỏi được bởi bệnh quá nặng. Nhưng bố cháu vẫn quyết tâm. Bố cháu còn có lý hơn cả bác sĩ", bác sĩ Thủy nói.
Chị cho biết, lần phẫu thuật thứ 3 này, dù khối u của cháu Hà đã nhỏ hơn sau quá trình điều trị hóa chất nhưng nó đã ăn cả vào mạch máu, một phần còn cắm vào niệu quản... nên ca mổ cũng rất phức tạp và phải huy động nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa ở bệnh viện.
"Khi kết thúc ca mổ, tất cả chúng tôi đều thở phào, đó không chỉ vì chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm hay nhìn thấy thành quả sự cố gắng tối đa của mình, mà là một cái gì hơn thế...", chị Thủy chia sẻ.
Hiện tại, bé Hà đã cùng bố về quê đoàn tụ với gia đình. Cháu sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe và hy vọng cuộc sống sẽ luôn mỉm cười với cô bé, như một món quà của người cha cũng như bao tấm lòng nhân ái đã dành cho em.
Một chút ánh sáng của nụ cười, một chút ánh sáng của lời chào hỏi, một chút ánh sáng của sự chia sẻ, một chút ánh sáng của tha thứ… Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống. Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác.
Để chuẩn bị ngày khánh nhật Truyền giáo sắp đến, Giáo hội cho chúng ta nghe các bài đọc trong phụng vụ của CN XXVIII thường niên nói về hai người ngoại giáo đã nhận được ơn của Chúa và lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban Tin mừng cứu độ cho lương dân của Thánh Phaolô Tông đồ, mà Ngài là một điển hình.
Bài đọc sách các Vua quyển thứ II có kể lại câu chuyện vế Naaman: ông là vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Syri, được Vua Syri tin cẩn, nhưng lại mắc bệnh phong cùi. Nghe tin ở đất Do thái có vị tiên tri nổi tiếng làm phép lạ. Ông xin thử Vua Syri đến Do thái để gặp nhà tiên tri. Tại đây, Êlisê bảo ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan thì sẽ được khòi bệnh. Ông vâng lời xuống sông tắm 7 lần và đã được sạch. Bài học hôm nay chỉ nhắc sơ đến việc Naaman được chữa lành. Nhưng quan trọng hơn là ông đã được đức tin sau khi khỏi bệnh. Chúng ta thấy Naaman được sạch rồi đã cùng đoàn tùy tùng trở lại gặp nhà tiên tri, và ông đã tuyên xưng niềm tin, ông nói: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel .” Naaman từ bỏ tà thần để suy phục Thiên Chúa. Từ nay ông trở thành dân của Người. Để chứng tỏ niềm tin này, ông xin phép dâng chút lễ mọn cho nhà tiên tri, tức là người của Chúa, theo thông lệ bấy giờ. Nhưng Êlisê từ chối. Có vẻ sợ nhà tiên tri chưa coi mình như là một tín hữu bình thường, nên ông nói: “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được”. Bời vì theo quan niệm thời đó, đất nước nào thì thần linh ấy. Naaman đã tin Chúa của Israel thì ông muốn cũng phải thờ Ngài trên đất của Ngài. Và vì thế lời xin của Naaman còn là một lời tuyên xưng đức tin chân thành. Chúng ta cảm phục ông và phải suy nghĩ về lối sống đạo của chúng ta ngày nay. Câu chuyện Naaman và đức tin của ông được Đức Giêsu nhắc lại để nêu gương cho các môn đệ. Chúa muốn dùng lương dân để nói với chúng ta. Trong chiều hướng đó, phụng vụ hôm nay muốn mời gọi chúng ta cùng tìm hiểu qua đoạn Tin mừng Lc 17,11-19.
Trên đường lên Giêrusalem, đi ngang qua Samari, Đức Giêsu vào một làng kia. Có mười người phong cùi muốn đón gặp Chúa, nhưng theo luật dạy họ chỉ dám đứng lại đàng xa. Họ bị xem là thành phần ô uế của xã hội, không được đến gần ai. Nhưng họ tin Đức Giêsu, và nghĩ Người có thể chữa họ khỏi bệnh, nên họ cất tiềng thưa: “Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Đức Giêsu đã coi lời họ cầu xin là biểu thị của lòng tin, nên bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Người bị bệnh phong cùi chỉ đi trình diện các tư tế khi đã khỏi bệnh để được xác nhận là đã lành sạch. Nhưng ở đây, họ tin lời Người đến nỗi đã lập tức ra đi trình diện mặc dù chưa thấy mình sạch. Và quả thực, trong khi đi họ đã được sạch, nghĩa là được khỏi bệnh. Chúng ta phải cảm phục lòng tin của họ. Thế nhưng, cả mười người đã được sạch mà chỉ có một người quay đầu trở lại gặp Đức Giêsu. Anh ta lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh gục mặt dưới chân Đức Giêsu. Anh vừa làm một hành vi thờ phượng. Trong khi chín người kia chỉ biết làm theo bổn phận của lề luật. Họ ích kỷ vì chỉ nghĩ đến mình, mong muốn cho mình được công nhận ngay để được sống như mọi người. Họ không nhận ra ơn Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Chỉ có một người đã nhận ra như vậy. Và người ấy lại là một người Samari, người lương dân duy nhất. Chúa Giêsu nói với người kia: “Đứng dậy về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh!”. Anh không chỉ được lành mạnh về thể xác. Điều cốt yếu mà người Samari nhận được từ đây đó là ơn cứu độ, là tình thương của Chúa Giêsu.
Không phải chúng ta chỉ tin vào Thiên Chúa duy nhất như Naaman trong bài sách các Vua, và cũng không phải chúng ta chỉ tin vào Đức Giêsu có quyền làm phép lạ như mười người bị bệnh phong cùi trong bài Tin mừng Luca, nhưng chúng ta tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa như người Samari kia, và nhất là chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và sống lại vì ta như lời thánh Phaolô nói trong bài thư gửi cho Timôthê: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người”. Do đó, dù khi có bệnh hay không có bệnh, dù được khỏi hay không được khỏi bệnh, dù bị rơi vào bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc đời, chúng ta vẫn tin và rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Chỉ một phép lạ mà Naaman và người Samari đã hết lời cảm tạ Thiên Chúa. Sự sống của ta, của bao người thân thiết – dù có gặp gian nan đôi chút vẫn là những bài học quí giá – để ta đứng dậy tiếp tục bước đi. Vì còn đó bao niềm vui, tình thương yêu của mọi người dành cho ta. Không đủ để ta hết lòng cảm tạ Thiên Chúa sao? Biết ơn là một nhân đức căn bản của những ai muốn nên người. Với Kitô hữu, lòng biết ơn còn thể hiện một điều cao quí hơn đó là niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Phanxicô Xaviê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét